Trang phục Chăm Hồi giáo vào cửa hàng thời trang
Thứ ba, 00:00, 18/10/2016

(VOV)- Chị Sa Y Dah là chủ cửa hàng trang phục Chăm Hồi giáo "Abdul Aziz và Saedah". Người phụ nữ dân tộc Chăm này đã phối hợp những loại hoa văn truyền thống Chăm An Giang với hoa văn hiện đại để đưa vào từng sản phẩm dệt của mình.


 

Trước khi trở thành một doanh nhân trong giới kinh doanh trang phục Chăm Hồi giáo, Sa Y Dah, quê ở An Giang, đã có thời gian làm đầu bếp cho một quán ăn của người Hồi giáo Malaysia, rồi làm lễ tân cho một khách sạn nổi tiếng.

 

Sa Y Dah khởi nghiệp bằng việc chọn trang phục Chăm Hồi giáo cho khách Malaysia. Năm 2010, chị Sa Y Dah chính thức vào nghề kinh doanh trang phục Chăm với việc nhận đơn đặt hàng 2.000 cái mũ đội làm lễ của đàn ông Hồi giáo. Sau đó, chị thuê quầy bán hàng nho nhỏ trong chợ Bến Thành, chủ yếu bán vào ban đêm.

 

Chị Sa Y Dah tính toán hàng giao cho khách

 

Sản phẩm của cửa hàng trang phục Chăm Hồi giáo "Abdul Aziz và Saedah" có nhiều loại hoa văn rất độc đáo: có hoa văn được bố trí trên toàn mặt vải, có hoa văn chạy song song với nền sợi dọc, hoa văn hình động vật cách điệu như rồng, phụng, chim, công, hình mặt trăng…

 

Không chỉ dừng lại ở sản phẩm mang tính truyền thống, chị Sa Y Dah tìm hiểu những loại hoa văn hiện đại để đưa vào từng sản phẩm của mình theo thị hiếu của khách hàng. Những sản phẩm do chị làm ra mẫu mã đa dạng và phong phú về chủng loại như: telekung – trang phục lễ của người Hồi giáo, mũ, quần áo, khăn, vải…

 

Khách đến cửa hàng vào buổi tối

 

Nnhiều khách hàng biết đến sản phẩm của chị, dần dần doanh thu ngày càng tăng lên. Có vốn kha khá, chị mua lại cửa hàng tại chợ Bến Thành và lấy tên là Abdul Aziz và Saedah. Sa Y Dah còn sở hữu vài shop khác nữa.

Cửa hàng Abdul Aziz và Saedah đạt mức thu nhập bình quân mỗi năm gần cả tỷ đồng. Chị Sa Y Dah đã tạo công ăn việc làm cho 10 chị em, mỗi người thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng. Khi công việc làm ăn thành đạt, chị Sa Y Dah sang các nước Malaysia, Ấn Độ, Campuchia… tham gia hội chợ, triển lãm, quảng bá các sản phẩm thổ cẩm của mình. Từ đó, nhiều hợp đồng đã được kí kết, trị giá hàng trăm triệu đồng.

"Hiện, ngoài phát triển thị trường nội địa, tôi đang có thị trường xuất khẩu ổn định tại Malaysia. Qua đây, mình có cơ hội quảng bá sản phẩm truyền thống Chăm ở Việt Nam, vừa tăng thu nhập, vừa bảo tồn văn hóa dân tộc mình" - chị Sa Y Dah nói.

 

 

 

Ái Nghiêm/VOV-TP.HCM

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC