Trường học nông trại giúp học sinh rèn kỹ năng sống
Thứ hai, 00:00, 17/10/2016

(VOV) - Mô hình trường học nông trại tại Trường Tiểu học xã Bản Xen của huyện nghèo Mường Khương là điểm sáng giáo dục của tỉnh Lào Cai. Mô hình này đã có những tác động tích cực đến học tập, lao động, phát triển nhân cách, kỹ năng cho học sinh.

 

Nằm tại trung tâm xã, trường tiểu học Bản Xen là một trong những trường học nông trại đầu tiên và tiêu biểu của tỉnh Lào Cai. Nhà trường sở hữu cả một nông trại đáng mơ ước: ao cá, vườn rau, cây ăn quả, khu nuôi lợn, nuôi dê, gà, ngỗng, chim câu…

 

Thầy giáo hướng dẫn cách chăm sóc bồ câu

 

Dưới sự hướng dẫn của thầy cô, các em phân thành từng nhóm nhỏ: Nhóm làm vườn thì trồng rau, bắt sâu, nhổ cỏ; nhóm chăn nuôi thì kiếm thức ăn, chăm sóc các con vật và dọn vệ sinh chuồng trại. Các em lớp 1, lớp 2 thì quan sát, học hỏi; các em lớp lớn hơn thì tùy theo khả năng để phân công công việc. Có những em đã thực hành rất thành thạo những việc khó, đòi hỏi sự khéo léo, và khi được hỏi có thể truyền đạt lại trôi chảy, lưu loát như một chuyên gia nông nghiệp.

 

Bùi Phương Thảo, học sinh lớp 5A2, nói: Ngoài giờ học cháu còn được chăm sóc các con vật và trồng rau nên rất thoải mái. Cháu cũng rất vui khi về nhà có thể giúp đỡ được bố mẹ rất nhiều công việc.

 

Việc "nhà nông" giúp các em giảm áp lực khi học văn hóa

 

Cô Trần Thị Bình, Hiệu trưởng trường Tiểu học Bản Xen, cho biết cách đây 3 năm, mô hình nông trại được áp dụng tại trường. Ban đầu mọi việc đều hết sức khó khăn, từ kinh phí, nguyên vật liệu đến các giống cây, con giống, cái gì cũng thiếu. Phụ huynh không có điều kiện tài chính, nhưng ủng hộ nguyên vật liệu và ngày công thì lúc nào cũng sẵn sàng. Các thầy cô giáo, lãnh đạo xã tình nguyện góp mỗi người một ít kinh phí đào ao, san lấp mặt bằng. Tới khi nên hình hài nông trại rồi, cây giống, con giống không còn là vấn đề khó nữa.

 

Thầy cô hướng dẫn các em nhổ cỏ, trồng rau

 

Cô Trần Thị Bình nói: "Nhà trường xây dựng mô hình nông trại nhằm rèn cho các con kỹ năng sống, rèn cho các con lòng yêu thiên nhiên, yêu quý các con vật và định hướng nghề nghiệp sau này.

 

Vì nông trại không nhằm mục đích kinh tế nên nhà trường không nhân rộng số cây, con; nhưng số chủng loại động, thực vật thì ngày càng được bổ sung phong phú để học sinh có điều kiện tiếp xúc, nhận biết thế giới xung quanh.

 

Chị Mờ Thị Nhung, phụ huynh học sinh, phấn khởi: "Tôi rất hài lòng vì chương trình này đã cho các cháu có thêm kiến thức. Trong quá trình trải nghiệm, các cháu cũng mạnh dạn hơn. Khi về nhà, ý thức tự giác của các cháu cũng nâng cao hơn".

 

Ngoài giờ học, các thầy cô giáo chia nhau chăm sóc cho nông trại. Mỗi độ nghỉ lễ, nghỉ hè, trường phải phân công thêm phần việc của nông trại, để khi học sinh quay lại lớp, nông trại vẫn tốt tươi. Để có đủ kiến thức giảng dạy và trả lời những câu hỏi của học sinh, giáo viên cũng phải không ngừng học hỏi, bổ sung kiến thức. Dù vất vả, nhưng thầy và trò đều hào hứng với mô hình trường học mới này.

 

 

 

An Kiên/VOV-Tây Bắc

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC