(VOV) - Vàng A Mẻ, dân tộc Mông, sinh viên năm thứ 3, Đại học Tây Bắc. Từ nhỏ, Mẻ đã bị cuốn hút bởi các bài thuốc chữa bệnh bằng cây dược liệu trong rừng của người Mông.
Là con thứ 3 trong gia đình có 9 người con, ngay từ nhỏ, ngoài lúc đi nương làm rẫy, Vàng A Mẻ thường trông các em phụ giúp bố mẹ. Những lúc các em bị ốm, Mẻ thường được người lớn chỉ cách lấy thuốc trong rừng và cách làm thuốc để chữa bệnh cho em. Rồi chẳng biết từ lúc nào, Mẻ đã bị các loại cây dược liệu cuốn hút và càng muốn khám phá để sử dụng chúng có hiệu quả hơn.
Vàng A Mẻ sinh năm 1995, quê ở xã miền núi Đứa Mòn, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La. Vàng A Mẻ cùng bạn Sùng Thị Dơ đang thực hiện đề tài Nghiên cứu nhân giống cây ngũ gia bì gai
Vàng A Mẻ đang là sinh viên năm thứ 3, khoa Nông Lâm của trường Đại học Tây Bắc. Mẻ thực hiện đề tài “Điều tra thành phần loài cây thuốc bản địa và kinh nghiệm sử dụng cây thuốc của cộng đồng dân tộc Mông tại xã Đứa Mòn, huyện Sông Mã”.
Mẻ chia sẻ: Trong lúc làm đề tài có rất nhiều khó khăn, mỗi lần đi lại mất cả trăm cây số; hơn nữa xin được các bài thuốc rất khó, vì hầu như các bài thuốc đều là gia truyền, nên ít khi truyền cho người ngoài... Trải qua nhiều gian nan, cuối cùng Mẻ cũng đã thực hiện được đề tài hoàn chỉnh như ý muốn và đạt giải nhất cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2016.
Vàng A Mẻ nghiên cứu đề tài
Mẻ đang cùng một số bạn trong lớp thực hiện đề tài Nghiên cứu kỹ thuật nhân giống cây ngũ gia bì gai, vì đây là cây dược liệu quý, dễ dùng mà chữa được rất nhiều bệnh.
Những nỗ lực của Vàng A Mẻ đã góp phần khôi phục các loài dược liệu quý, cũng như lưu giữ các bài thuốc dân gian của người Mông trong công tác khám chữa bệnh.
Hoàng Long/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận