Về lại Thủ đô gió ngàn
Thứ năm, 00:00, 22/12/2016

(VOV4) - Việt Bắc năm xưa, trong những ngôi nhà giữa chốn thung sâu, bếp lửa đêm đêm rực hồng như tín hiệu để những chiến sĩ cách mạng ẩn náu trong rừng tìm đến. Và những người mẹ Tày, Dao, Nùng gom góp từng hạt ngô hạt gạo, thêu từng tấm áo cho chiến sĩ.


 

Không biết đã bao lần, bà Bàn Thị Chú, dân tộc Dao, đã cùng những người dân Nguyên Bình, Cao Bằng, bí mật len lỏi qua những cánh rừng, vượt qua sự kiểm tra ngặt nghèo của lính Pháp và tay sai để mang lương thực vào rừng sâu cho bộ đội.

 

Ở mỗi bảo tàng chứng tích chiến tranh ở các địa phương Việt Bắc, có chiếc chăn bông của người mẹ Tày nhường cho người chiến sĩ, chiếc nồi đồng bà cụ người Nùng nấu cơm, chiếc cối đá người Mông xay thóc, chiếc ấm đun nước của người Mường… Tất cả những gì cách mạng cần đều được đồng bào các dân tộc bí mật cung cấp.

 

Bác Hồ cùng các chiến sĩ cách mạng tại căn cứ địa Việt Bắc. Ảnh tư liệu

 

Việt Bắc những năm kháng chiến chống Pháp là nơi đã nuôi dưỡng phong trào cách mạng của ta lớn mạnh không ngừng. Đồng bào các dân tộc Việt Bắc đã “bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”, đùm bọc che chở bảo vệ các cơ quan đầu não trong suốt hành trình kháng chiến. Ở nơi đó, “núi giăng thành lũy sắt dày, rừng che bộ đội rừng vây quân thù. Mênh mông bốn mặt sương mù, đất trời ta cả chiến khu một lòng”.

 

Đại tá Trần Thông, nguyên chiến sĩ tiểu đoàn Phủ Thông, tham gia chiến dịch Việt Bắc năm 1947, nhớ lại: "Quân và dân chiến khu Việt Bắc đã thực hiện như thế này: một là tiêu thổ kháng chiến, vườn không nhà trống. Tất cả các bản dân đã rút đi đều cắm chông, đặt cạm bẫy, đặt cung tự động và tên tẩm thuốc độc. Thứ hai là phá hoại giao thông, tất cả cầu cống. Với sự ủng hộ của nhân dân Việt Bắc, quân đội ta giành thế chủ động và giành thắng lợi liên tiếp trên các mặt trận". 

 

Những năm qua, trên địa bàn các vùng dân tộc thiểu số, hơn  20 chính sách đặc thù, một số chương trình lớn như 135, 134, Nghị quyết 30A về giảm nghèo... đã thay đổi rõ nét diện mạo vùng cao. Hàng trăm nghìn lượt người dân tộc thiểu số được vay vốn phát triển sản xuất, đào tạo nghề và hơn 60% trong số đó đã có việc làm. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân hằng năm tăng rõ rệt.

 

Đến các địa phương vùng cao hôm nay, nhiều lán nứa đã được thay bằng nhà xây kiên cố. Ngày càng nhiều cán bộ dân tộc thiểu số giữ các vị trí cao trong bộ máy lãnh đạo Đảng và chính quyền các cấp. Bà con đã đa dạng hóa các ngành nghề, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập. Với chính sách chuyển đổi giống, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trang trại tổng hợp cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

 

 

 

Thu Hòa/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC