Vùng cao mong muốn liên kết thị trường
Thứ ba, 00:00, 27/09/2016 Minh CT Minh CT

(VOV4) - Tỉnh Sơn La, với hơn 900.000ha đất nông nghiệp, có thời tiết, khí hậu thuận lợi để phát triển các loại nông sản nguồn gốc ôn đới, cận nhiệt đới. Tuy nhiên, do Sơn La cách Hà Nội và các tỉnh vùng đồng bằng khá xa, trong khi hạ tầng giao thông chưa phát triển mạnh, nên việc việc kết nối và tiêu thụ các sản phẩm nông sản còn nhiều khó khăn.






 

Những năm qua, Sở Công thương Sơn La đã tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm an toàn của tỉnh thông qua các chương tình Hội chợ, hội thảo. Một số doanh nghiệp Hà Nội cũng đã liên kết đưa rau, quả, thực phẩm Sơn La về tiêu thụ. Tuy nhiên, sản lượng liên kết tiêu thụ vẫn còn nhỏ.

 

 

Nông sản vùng cao mong muốn liên kết thị trường

 

 

Ông Hoàng Văn Kẻo, người Thái, ở bản Sai, xã Sập Vạt, huyện Yên Châu, Sơn La – Chủ tịch Hiệp hội trồng và tiêu thụ xoài Yên Châu, cho biết huyện Yên Châu có khoảng 120ha xoài tròn, sản lượng đạt từ 600 – 700 tấn/năm. Bà con còn trồng và khai thác các mặt hàng nông sản khác như măng khô, chuối hột, táo mèo. Hàng hóa chủ yếu được bán cho các thương lái tại địa phương. Việc bán hàng qua nhiều trung gian như vậy khiến lợi nhuận của người nông dân Yên Châu giảm đi đáng kể.

 

Những sản vật nông sản ở Sơn La có sức tiêu thụ tốt ở thị trường Hà Nội. Ảnh: baomoi.com

 

Sau khi tham gia Tuần lễ hàng nông sản Sơn La tại Hà Nội hồi cuối tháng 8 vừa qua, nhận thấy hàng hóa của Sơn La được thị trường Hà Nội rất ưa chuộng, ông Kẻo mong muốn có thể kết nối với các doanh nghiệp Hà Nội để tiêu thụ được nhiều hàng hóa hơn:  “Khách Hà Nội này thì rất chuộng hoa quả sạch của Sơn La. Ở trên nhà bán được ít lắm, giá cả rẻ thôi. Ví dụ ở nhà bán 50 ngàn thì xuống đây bán 80ngàn, không thấy khách phản đối gì, họ không chê đắt”.

 

Bà Nguyễn Thị Luyến, Chủ nhiệm Hợp tác xã rau an toàn Tự Nhiên ở bản Áng, xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, cho biết: Huyện Mộc Châu hiện đã thành lập 3 HTX chuyên sản xuất rau, đã được cấp chứng nhận an toàn VietGAP. Bà con đều mong muốn được sự hỗ trợ từ phía chính quyền để kết nối lâu dài và bền vững với thị trường Hà Nội, một trong những thị trường lớn nhất khu vực miền Bắc. 

 

Theo ông Nguyễn Duy Nhượng, Giám đốc Sở công thương tỉnh Sơn La, Tỉnh ủy Sơn La đang chỉ đạo sâu sát về việc hỗ trợ, tập huấn tổ chức lại sản xuất cho bà con, để đáp ứng nhu cầu thị trường. Tuy nhiên việc này gặp rất nhiều khó khăn, do phần lớn bà con còn dè dặt, với câu hỏi thường trực “sản xuất ra rồi bán cho ai?”. Vì vậy, Sơn La rất cần các doanh nghiệp Hà Nội vào cuộc giúp người dân Sơn La tiêu thụ hàng hóa. Ông Nhượng cam kết: “Thời gian tới, Sơn La, qua Sở Công thương và một số sở, ngành khác sẽ tiếp tục gửi một số mặt hàng đảm bảo đủ điều kiện đưa ra thị trường về Sở Công thương Hà Nội và có thể sẽ mời một số doanh nghiệp sản xuất những mặt hàng đó xuống Hà Nội để tổ chức kết nối cụ thể từng mặt hàng. Có thế Sơn La mới yên tâm tổ chức sản xuất, nếu không người sản xuất cũng thấy chơi vơi”.

 

Sơn La đang từng bước chú trọng tới mô hình hợp tác xã sản xuất công nghệ cao

 

Bà Mai Khuê Anh,  Giám đốc điều hành Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro), nhận xét: Các mặt hàng nông sản của Sơn La rất phong phú, được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng. Riêng với mặt hàng rau củ, Hapro sẵn sàng đón nhận và giới thiệu các thương lái lớn cho bà con để nhập các sản phẩm hàng ngày và tiêu thị tại các chợ đầu mối. Còn với các sản phẩm rau củ quả, nếu muốn được bán trong các siêu thị, đại lý, bà con cần kiên nhẫn đáp ứng yêu cầu của hệ thống bán lẻ này.

 

Một vấn đề nữa được bà Mai Khuê Anh chỉ ra là hiện nay, phần lớn nông dân vẫn tập trung nhiều vào vấn đề năng suất. Từ thực tế hoạt động của Hapro, bà Khuê Anh lưu ý bà con nông dân nên tập trung vào chất lượng sản phẩm nhiều hơn để chiếm được sự tin tưởng của người tiêu dùng: "Chúng tôi biết, những quả nho nhìn rất to, chúng tôi nhập lô đầu mà lô sau không nhập được nữa vì đó là hàng biến đổi gen. Còn những quả bé, không đều mà ngon thì bán rất tốt. Thí dụ như nhãn Sơn La, quả rất là to nhưng nhiều khi quả to quá lại rất phản cảm vì người tiêu dùng sẽ hỏi có phải nhãn trồng tự nhiên không hay là biến đổi gen. Và như thế là bao nhiêu công sức của người trồng, phải mua công nghệ, thay đổi cả giống, nhưng người tiêu dùng không đón nhận".


Trong bối cảnh vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề được xã hội quan tâm, những sản phẩm sạch của Sơn La nói riêng và các tỉnh miền núi nói chung, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Tuy nhiên, nông sản miền núi muốn có chỗ đứng vững trên thị trường thủ đô thì cần phải đáp ứng được những điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

 

 

 

Hoàng Minh/VOV4

Minh CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC