VOv4.VN - Cháu bé 8 tháng tuổi Chíu Quang Trung, người dân tộc Dao, ở thôn Khe Sông, xã Phong Du, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, bị bại não, cộng thêm chứng động kinh, thường xuyên lên cơn co giật. Trong số 3 anh chị em, thì Trung ở thể trạng có thể chữa trị ổn nhất. Thế nhưng, vì gia đình quá nghèo, anh Sằn, chị Múi chỉ cầu mong có một phép màu đến với cậu con trai bé bỏng, tội nghiệp của mình.
Khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương chiều hè oi bức. Ở góc phòng, chị Chìu Si Múi ngồi lặng lẽ với vẻ vô cùng mệt mỏi. Đứa trẻ sau cơn co giật suốt từ đêm qua, đã dang tay chân ngủ ngon lành. Nhìn em bé 8 tháng tuổi trong cơn mơ, miệng vẫn chóp chép đòi sữa mẹ, ít ai nghĩ rằng bé bị bệnh.
Chị Múi ngước đôi mắt thâm quầng trên gương mặt hốc hác, nhìn con đau đớn: Bác sĩ bảo giật không nên ôm, em chỉ vỗ vỗ thôi, giật nó nhiều đờm rồi môi nó tím tím suốt, tầm mười mấy giây ấy. Có lúc ôm con em khóc, nhưng giờ quen rồi, em không khóc được nữa.
Sinh 3 đứa con, chị Múi liên tiếp gặp cảnh tai ương. Cứ hy vọng đứa sau khỏe mạnh, nhưng rồi cũng không tránh được. Chị Múi kể: "Lúc gần 6 tháng Trung bị động kinh, tưởng là giật mình, đưa xuống huyện, các bác sĩ nói không phải sốt cao co giật nhưng không biết nguyên nhân, lại đưa lên tỉnh. Bác sĩ hỏi gia đình có nguyện vọng đưa cháu lên tuyến trên không. Lúc ấy em chỉ biết khóc. Các bác sĩ bảo, mẹ đừng tự trách mình, hãy tự tin về con mình".
Quả thật chị Múi chẳng biết bấu víu vào đâu. Gia cảnh neo người, lại quá bần hàn. Đứa đầu đẻ ra chẳng nói chẳng cười, nay đã 6 tuổi mà đi học bữa nào về lại bươu đầu mẻ trán, yếu quá không tự đứng dậy được, chị cho nghỉ ở nhà, bà nội trông. Đứa thứ hai được hơn 4 tháng tuổi, bị viêm phổi, đưa lên bệnh viện tỉnh đã kết luận nhiễm trùng nặng, không qua khỏi. Đến đứa này 5 tháng đã kết luận bại não. Chị Múi tưởng như có thể chết vì bất hạnh cứ liên tiếp đổ xuống.
Chồng chị không nghề nghiệp, nay lên rừng làm keo, mai lại phụ hồ, xách vữa, ngày cao nhất chỉ kiếm được 200 nghìn đồng, chắt chiu gửi xuống viện lo cho con. Họ hàng ai cũng thuộc diện nghèo, có giúp cũng chỉ cố được 1-2 triệu. Nhìn con cứ tím tái vì co giật, người chằng chịt toàn dây dợ, lòng người mẹ quặn thắt.
Đường cùng, chị đã tính đến chuyện hy sinh bản thân mình: "Em bảo đi bán máu để có tiền chữa trị cho con, nhưng đi bệnh viện họ bảo đây không có mua bán. Em về, hai mẹ con ôm nhau khóc ở giường, có một cô giáo thấy em khổ quá đăng lên Facebook kêu gọi nhóm bạn bè của chị ấy, được 3 triệu rưỡi, em quyết định đưa cháu lên Hà Nội chữa bệnh. Em cứ nghĩ đi mấy triệu thôi, nhưng vẫn thiếu 5 triệu nữa…".
Khó khăn đủ bề, người thân ai cũng bảo đưa con về chữa trị ở nhà, nhưng bác sĩ cứ động viên ở viện ngày nào tốt ngày ấy cho con nên chị Múi lại cố gắng. Xuống viện Nhi Trung ương, hoàn cảnh của mẹ con chị Múi khiến ai cũng thương cảm. Chị Múi bảo ăn uống kham khổ thì cố được, lo nhất là thuốc bổ não cho con toàn ngoài danh mục bảo hiểm y tế. Đã thế, cảnh nhà ở quê càng ngày càng lâm vào túng bấn.
Theo bác sĩ Nguyễn Danh Ngôn - Khoa Thần kinh, người trực tiếp điều trị cho cháu Trung, nếu gia đình lo được cho cháu về danh mục thuốc bổ não, sẽ hỗ trợ giai đoạn phục hồi nhanh hơn. Nếu có đủ kinh phí điều trị thành quá trình liên tiếp, thì khả năng nhận thức của cháu sẽ tốt hơn.
Nghe bác sỹ nói, chị Múi như nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm. Nhưng lòng người mẹ, chăm thằng em mà vẫn canh cánh nỗi lo thằng anh bé bỏng tội nghiệp cũng đang bệnh tật ở nhà. Lẽ ra chỉ 1 đứa bị bệnh, thì sẽ được điều trị, bồi bổ sức khỏe, đằng này, yếu ớt thế đã phải nhường mọi thứ tốt hơn cho em.
Bên cạnh nỗi lo về con, bà mẹ trẻ dân tộc Dao này đang đứng trước sức ép của gia đình nhà chồng: bắt chồng chị phải bỏ chị đi lấy vợ khác để sinh những đứa con khỏe mạnh. Giờ, chị không có tâm trí đâu mà đau cho bản thân mình, chỉ cố sức từng ngày. Chị nghẹn ngào tính toán: nếu bán máu, thậm chí bán tim được, chị cũng sẽ hy sinh bản thân mình, để hy vọng con mình được chữa trị.
Độc giả đọc câu chuyện về chị Múi, xin hãy chia sẻ khó khăn này cùng mẹ con chị. Trước mắt, cháu đang cần khoảng 10 triệu, để thêm vào đóng viện phí, còn lại vài triệu dành cho thuốc men và sữa.
Số điện thoại của Kết nối 54 đang chờ bạn: 04.3 8255667
Thu Hòa/VOV4
Viết bình luận