Sinh ra trong một gia đình nghèo khó tại vùng quê miền núi Sóc Hà, sau khi học hết lớp 10, năm 1976, Hà Văn Đồng nhập ngũ và được cử về Xuân Mai đào tạo quân sự, học tiếng Trung. Sau 3 năm, người lính trẻ trở về công tác trong lực lượng biên phòng ở Bảo Lạc. Nhờ lập nhiều thành tích trong công tác và chiến đấu, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được trao tặng Huy chương: Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc.
Thầy Hà Văn Đồng điều trị tại Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Nhưng tai họa ập xuống khiến cuộc đời Đồng bước sang ngã rẽ khác. Những cơn đau lưng xuất hiện, ban đầu chỉ đau râm ran, âm ỉ, nghĩ mỏi mệt bình thường, anh cũng không đi khám. Về sau, cơn đau xuất hiện ngày một nhiều vùng thắt lưng và hông, việc đi lại ngày càng khó. Cuối cùng, đơn vị buộc phải cho anh trở lại địa phương.
Chứng kiến cảnh người cha già ngày ngày cơm bưng nước rót, người mẹ nghèo giặt giũ, vệ sinh cho mình, Đồng sinh bi quan, chán nản, mặc cảm với đôi chân tàn phế của mình. Cả một thời gian dài Đồng sống như cái bóng khi người vợ dứt áo ra đi, bỏ mặc anh vật lộn với căn bệnh quái ác.
Nhưng rồi một ngày khi nhìn vào kho sách cũ, anh bất giác nhận ra mình đã phí hoài những năm tháng thanh xuân. Và thế là lớp dạy tiếng Trung cho lũ trẻ trong làng ra đời. Các em đến nhà anh học không tốn một đồng học phí.
"Bác nghĩ, điều kiện, hoàn cảnh quê hương của bác còn rất nhiều khó khăn, đặc biệt là các cháu đang ở tuổi học hành. Bác lại được nhà nước đào tạo về tiếng Trung, bác nằm một chỗ thế này vô dụng quá, phải đóng góp một cái gì đó cho các cháu trong làng thôi. Bác dạy các cháu miễn phí. Bố mẹ các cháu ban đầu cũng không tin bác lắm. Bác cứ kiên trì dạy. Lúc đầu có 3 cháu, 5 cháu, rồi 10 cháu. Rồi dần dần mấy chục cháu. Bây giờ học sinh của bác bác cũng chẳng nhớ" - ông Đồng kể.
Hai tiếng thân thương “thầy Đồng” ra đời cũng vì lẽ đó. Dù không nhớ đã mở được bao nhiêu lớp học và dạy cho bao nhiêu học sinh, thầy giáo Đồng chỉ biết đã có hơn 30 học sinh của thầy thi đỗ vào khoa tiếng Trung của các trường đại học.
Nào ngờ, tai họa lại tiếp tục ập đến khi thầy Đồng mắc thêm căn bệnh mới: u nấm phổi. Hơn 10 năm bệnh tật hành hạ, bao lần ho ra máu nhưng thầy cứ lần lữa mãi không chịu đi khám bệnh. Phần vì gia cảnh nghèo khó, cuộc sống lâu nay phụ thuộc vào người cha già nay đã 91 tuổi và gia đình người em trai. Trái ngang thay, người em cũng bị tàn phế một chân do giẫm phải mìn. Hôm rồi, lên cơn khó thở, miệng ộc đầy máu tươi, cả nhà mới tá hỏa đưa thầy đi cấp cứu.
Em Hà Văn Lương, người cháu ruột chăm sóc thầy Đồng, mắt ngân ngấn nước: "Gia đình em khó khăn, dựa vào nhau mà sống. Em và em trai em còn nhỏ, bác, bố đều bị tàn tật. Gia đình không có tiền đi khám ở thành phố, chỉ biết đi khám ở huyện thôi, có gì thì chữa nấy. Lúc bác suy sụp nhất là lúc bác biết bệnh này. Vì gia đình nghèo, bác nghĩ không đủ tiền chữa trị cho bản thân".
Bác sĩ Phan Thị Hạnh, Trung tâm Hô hấp, bệnh viện Bạch Mai, cho hay, việc điều trị cho thầy Đồng gặp nhiều khó khăn khi bệnh nhân cùng lúc mắc viêm cột sống dính khớp và u nấm phổi. Hiện nay, phác đồ điều trị được các bác sĩ đưa ra là có thể phẫu thuật hoặc nút mạch.
"Bệnh nhân Đồng mặc dù được bảo hiểm y tế 100%, tuy nhiên phương pháp điều trị rất khó khăn. Việc lựa chọn phẫu thuật hay nút mạch đều tốn rất nhiều chi phí. Nhất là phẫu thuật, có thể nằm ở phòng hồi sức cấp cứu rất là lâu ngày. Phải tốn 30 – 60 triệu sau mổ, thậm chí có thể hơn. Nút mạch cũng vậy, có rất nhiều khoản bệnh nhân phải chi trả. Nếu không phẫu thuật hoặc không nút mạch thì bệnh nhân có thể ho máu nhiều hơn, có thể ngừng thở và tử vong" - bác sĩ Hạnh nói.
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận