Bà con Chăm ở Ninh Thuận chuyển đổi cây trồng để thích ứng với khô hạn
Thứ hai, 00:00, 06/11/2017
VOV4.VN - Để thích ứng với biến đổi khí hậu, đồng bào Chăm ở Ninh Thuận đã chuyển từ lúa sang các trồng tiết kiệm nước như cây đậu xanh, đậu phụng, táo và nhiều loại hoa màu khác. Thực tế cho thấy các cây trồng này thích nghi với điều kiện khí hậu khô hạn của Ninh Thuận và mang lại hiệu quả kinh tế cao. J

 

Trước đây, gia đình anh Quảng Đại Hưng, ở thôn Phước Đồng 2, xã Phước Hậu, huyện Ninh Phước, gắn bó với cây lúa và cây chuối. Thu nhập không cao, thời tiết ngày càng khắc nghiệt nên anh quyết định chuyển 1 sào đất trồng chuối sang cây táo. Sau hơn 5 năm, cây táo đã giúp cho gia đình anh tăng thu nhập.

"Đất này trước đây trồng chuối nhưng cho thu nhập thấp, nên tôi chuyển sang trồng táo. Táo cho thu nhập ổn định, gấp 3-4 lần so với trồng chuối. Ví dụ 1 sào chuối mình thu 10 triệu đồng mà sang trồng táo mình thu từ 30 – 40 triệu một sào" - anh Hưng nói.

Táo cho thu nhập ổn định, cao gấp 3-4 chuối

Phước Hậu đã có hơn 135 ha cây táo cho thu hoạch và đang trồng mới thêm 5 ha. Cây táo đang là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống bà con Chăm nơi đây. Anh Lê Quang Vinh, cán bộ nông nghiệp xã Phước Hậu, cho biết: bà con xây nhà mới cũng nhờ cây táo.

Măng tây xanh phát triển tốt ở Ninh Thuận

Ngoài cây táo, cây nho, bà con Chăm chuyển đổi diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây bưởi da xanh. Bước đầu cho thấy loại cây này thích nghi với khí hậu, thổ nhưỡng ở đây, hiện cây sinh trưởng phát triển tốt. Còn tại vùng đất cát hoang hóa ở xã An Hải, huyện Ninh Phước, bà con đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm sản xuất rau sạch.

Để có thương hiệu rau sạch, người Chăm ở thôn Tuấn Tú đã chuyển đổi phương thức sản xuất rau theo kiểu truyền thống sang sản xuất rau an toàn, với sự giúp đỡ của các cấp chính quyền, ngành chức năng. Các hộ đã ký kết hợp đồng cung cấp rau an toàn với doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tại các chợ, siêu thị, góp phần ổn định đầu ra cho các loại rau, củ, quả an toàn. Hầu hết các hộ sản xuất rau sạch đều có lãi.

Rau sạch mang lại thu nhập ổn định cho bà con Chăm ở thôn Tuấn Tú

Ông Nguyễn Siêng, ở thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, cho biết: "Mình trồng 7-8 sào dưa, thu được từ 8-10 triệu, trừ chi phí còn lời 5-6 triệu đồng. Sau khi hái dưa xong thì tiếp tục trồng đậu phụng, nhổ đậu phụng thì trồng cà rốt, thu hoạch xong cà rốt thì trồng cải trắng, thu hoạch xong cải trắng thì trồng ớt, cứ thế mà xoay vòng. Bà con xây nhà, mua xe cũng nhờ việc trồng rau này".

Ngành nông nghiệp Ninh Thuận hướng tới mục tiêu sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận, trong vụ Hè thu 2017, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 702 ha, đạt 80% chỉ tiêu so với kế hoạch (879 ha). Trong đó, cây hàng năm 640 ha, cây lâu năm 62 ha.

Để đảm bảo việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang cây trồng cạn đạt hiệu quả và mang tính bền vững, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã rà soát và lựa chọn cây trồng phù hợp với thổ nhưỡng, thích nghi với điều kiện canh tác của từng vùng. Đặc biệt quan tâm chuyển đổi từ đất lúa sang các loại cây ăn quả, măng tây và các loại rau củ quả,... gắn với liên kết sản phẩm.

Việc chuyển đổi cây trồng ở vùng đồng bào Chăm đang mang lại hiệu quả. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận tiếp tục chuyển giao kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, tạo ra sản phẩm nông nghiệp có chất lượng, nâng cao giá trị sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho người dân.

 

 

 

 

Jasi/VOV-TP.HCM



 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC