Anh Bành Việt Tùng, ở xã Ea Kpam, huyện Chư M'gar, dự buổi gặp gỡ những nông dân tỷ phú do Ban chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức nhằm chia sẻ những kinh nghiệm và đóng góp chính sách để nông nghiệp Tây Nguyên phát triển bền vững. Anh Tùng chọn cây ăn quả làm hướng đi. Sau gần 9 năm, gia đình anh sở hữu khu vườn chuyên canh cây ăn quả trên 3 ha, gồm 500 cây bơ các loại, gần 100 cây sầu riêng.
Do phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương và chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao. Trung bình, mỗi năm, vườn cây ăn quả của gia đình anh Tùng cho lãi hơn 1,5 tỷ đồng, cao gấp 3,5 lần so với trồng cà phê trước đây.
Sầu riêng Đắc Lắc được thu mua để xuất đi các thị trường
Cảm nhận được giá trị cây ăn trái đang mang lại cho các địa phương ở Đắc Lắc là các doanh nghiệp kinh doanh trái cây. Ông Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty cổ phần xuất nhập khẩu bơ Tây Nguyên, huyện Krông Pách, cho biết: sau 4 năm, công ty đã liên kết với bà con nông dân 5 tỉnh Tây Nguyên trồng hơn 1.000 ha bơ; 80% diện tích này đã cho thu hoạch. Năm 2017, công ty xuất gần 10.000 tấn bơ cho thị trường trong nước và một phần xuất khẩu sang Hồng Kông, Thụy Điển, Trung Quốc, Ả Rập …
Ông Trần Minh Hải nhận định, trái cây Đắc Lắc rất có lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là trái bơ, có triển vọng rất lớn cả ở thị trường trong nước và xuất khẩu: "Riêng nhu cầu nội địa hiện nay một năm đã là 80.000 tấn. Thị trường bơ các năm tới cực kỳ triển vọng về đầu ra. Thị trường Châu Âu, Trung Đông, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản và một số nước Đông Nam Á lân cận Việt Nam tiêu thụ bơ rất tốt”.
Theo Tiến sĩ Trương Hồng, Viện trưởng Viện khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên, vùng đất Đắc Lắc và các tỉnh lân cận có rất nhiều lợi thế để phát triển cây ăn quả nhiệt đới có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng ưa chuộng.
“Đất đai ở Tây Nguyên rất phù hợp với một số loại cây ăn quả và thực tế đã chứng minh rằng nhiều mô hình trồng loại cây này đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Như bơ, người nông dân có thể thu được 1 tỷ đồng/ha/năm, sầu riêng từ 800 triệu-1 tỷ đồng/ ha/năm. Ở vùng Tây Nguyên có một số nơi rất hợp trồng cây có múi như bưởi, quýt. Đắc Lắc có huyện Ea Kar, Ea Sup, Buôn Đôn, trồng rất tốt, không thua gì các tỉnh Tây Nam Bộ. Trong tương lai, Tây Nguyên có thể phát triển cây ăn quả thành thế mạnh chủ lực của Việt Nam”.
Theo đà tăng của giá trị kinh tế, diện tích các loại cây ăn trái ở Đắc Lắc tăng rất nhanh chóng, với hàng chục nghìn héc ta sẽ bước vào thời kỳ kinh doanh kể từ 2018. Điều đó có nghĩa là sản lượng trái cây ở Đắc Lắc sẽ tăng rất nhanh trong vài năm tới. Nếu chính quyền và các doanh nghiệp giải quyết tốt công tác thị trường, sẵn sàng về công nghệ bảo quản sau thu hoạch, cây ăn trái sẽ thực sự trở thành một trụ cột nông nghiệp mới của Đắc Lắc cùng với cà phê, hồ tiêu, cao su…tạo nên sự vững chắc cho nền kinh tế.
Hương Lý/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận