Đắk Lắk nâng cao giá trị lúa gạo theo hướng khác biệt
Thứ ba, 10:18, 19/04/2022 Thu Ha bt- 2 ảnh Thu Ha bt- 2 ảnh
VOV4. VN - Lúa gạo tuy không phải là nông sản chủ lực của Đắk Lắk, nhưng có tiềm năng xuất khẩu, bởi vậy, Đắk Lắk đang nỗ lực phát triển sản phẩm lúa gạo theo hướng chuyên biệt để có sức cạnh tranh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

 

Đắk Lắk có diện tích gieo trồng lúa ổn định với khoảng 100.000 ha, chiếm gần 35% diện tích gieo trồng cây hằng năm của tỉnh. Sản xuất lúa của Đắk Lắk đứng đầu khu vực Tây Nguyên, sản lượng hàng năm 750.000 tấn, năng suất bình quân đạt hơn 67tạ/ha. Hầu hết các vùng trồng lúa trong tỉnh sử dụng giống lúa chất lượng cao như: Đài thơm 8, ST 24, ST 25, HT1…

Theo Giáo sư Bùi Chí Bửu, nguyên Viện trưởng Viện lúa Đồng bằng Sông Cửu Long, Đắk Lắk là vùng đất được mệnh danh “thủ phủ cà phê” nhưng không thiếu những cánh đồng lúa hàng trăm héc ta, đạt năng suất cao từ 8 - 12 tấn/ha như huyện Ea Kar, các bãi bồi phù sa ở các xã Buôn Triết, Buôn Tría (huyện Lắk), Cánh đồng lúa Ea Sup…

Đặc biệt, với đặc thù khí hậu và thổ nhưỡng vùng Tây Nguyên, các loại lúa trồng ở Đắk Lắk luôn mang lại năng suất cao và chất lượng tốt hơn so với những vùng trồng ở đồng bằng. Điều này đã tạo cho sản phẩm lúa gạo ở Đắk Lắk lợi thế cạnh tranh mà ít vùng nào có được.

Giáo sư Bùi Chí Bửu giải thích, từ trước đến nay, người ta cho rằng, khí hậu của Đắk Lắk chỉ phù hợp với cây cà phê, nhưng ở thung lũng không cạnh tranh với cây gì khác thì cây lúa chiếm một vị trí đặc biệt. Do sự chênh lệnh nhiệt độ ngày và đêm rất lớn cho nên hô hấp ban đêm không nhiều và không tiêu thụ hết năng lượng do ban ngày quang hợp được. Thứ hai, quang hợp trong vụ Đông – Xuân bức xạ rất cao 450 -460 kilocalo/m2, so với Đồng bằng sông Cửu Long chỉ 360-390 kilocalo/m2, nên đây là ưu thế. Do vậy, năng suất là và chất lượng là ưu thế đặc biệt của lúa gạo Đắc Lắc.

Nông dân huyện Lắk phơi sấy lúa sau thu hoạch.

Phát huy những lợi thế này, nhiều địa phương trong tỉnh đã xây dựng một số thương hiệu gạo ngay tại vùng trồng như “Gạo sạch Đồng Nhất” của huyện Lắk; “Gạo Krông Ana” của huyện Krông Ana, “Gạo 721” của Công ty TNHH MTV Cà phê 721 (huyện Ea Kar)…Các hợp tác xã đã chủ động ứng dụng công nghệ số vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm, lập kế hoạch xây dựng nhà máy chế biến lúa gạo.

Điển hình, HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) đã liên kết sản xuất lúa thương phẩm chất lượng cao với giống ST24, ST25. Theo đó, thương hiệu "Gạo sạch Thăng Bình HTB" được sản xuất từ giống lúa ST24, ST25 đã ra mắt thị trường vào giữa năm 2020, đạt chứng nhận 4 sao OCOP cấp tỉnh vào cuối năm 2020. Hiện nay, thương hiệu "Gạo sạch Thăng Bình HTB" cũng đã xây dựng được 26 đại lý tại 12 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình (huyện Krông Bông) cho biết: Trước đây sản phẩm bình thường chẳng ai biết đến và việc bán ra bên ngoài rất khó khăn, nhưng từ khi sản phẩm đạt chứng nhận OCOP nâng tầm lên 1 bước mới về chất lượng phong cách sản phẩm tngười tiêu dùng dễ dàng đánh giá nhận biết sản phẩm và tiêu thụ sản phẩm Gạo sạch Thăng Bình HTB hơn. Đây cũng là sự lột xác từ sản phẩm bình thường trong ao làng của người nông dân vươn ra tiếp cận thị trường lớn.

Mặc dù diện tích và năng suất đứng đầu khu vực Tây Nguyên, nhưng hoạt động sản xuất lúa gạo ở Đắk Lắk vẫn gặp không ít khó khăn. Do đó, để cạnh tranh với thị trường, bên cạnh liên kết sản xuất, Đắk Lắk cần tổ chức đầu tư khoa học công nghệ để tạo sản phẩm khác biệt thay vì phát triển lúa gạo theo hướng đại trà như ở vùng đồng bằng. Trong Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Đắk Lắk cũng xác định lúa gạo là một mặt hàng chủ lực. Tỉnh sẽ tập trung triển khai giải pháp ưu tiên để phát triển ngành hàng lúa gạo.

Ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp – Phát triển – Nông thôn tỉnh Đắk Lắk khẳng định: Cần xác định lại bộ giống phù hợp với từng nơi từng vùng; quy hoạch các vùng sản xuất tập trung phù hợp với điều kiện từng địa phương để có sự kiên kết hợp tác tạo ra sản phẩm có đủ về số lượng và đồng nhất về chất lượng. Bên cạnh đó, tổ chức lại sản xuất theo hướng phát triển các tổ chức của nông dân. Đặc biệt là các hợp tác xã để người dân thống nhất trong áp dụng công nghệ kỹ thuật, giải pháp canh tác tiên tiên, phù hợp và có cơ hội giảm giá thành. Đầu ra sẽ liên kết với các doanh nghiệp để chế biến tiêu thụ đưa ra thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

Có thể thấy Đắk Lắk có nhiều tiềm năng sản xuất lúa gạo với các sản phẩm chuyên biệt, nhưng để tạo ra giá trị hàng hóa lúa gạo lớn đáp ứng nhu cầu thị trường, bên cạnh sự nỗ lực của nông dân rất cần các cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích, thúc đẩy các HTX, các doanh nghiệp trong vấn đề đầu tư sản xuất cũng như xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản sau thu hoạch để nâng cao chất lượng sản phẩm./.

 

Hương Lý/VOV Tây Nguyên

 

 

Thu Ha bt- 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC