Những ngày này, bà con xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái đang tất bật, phấn khởi vận chuyển giống, san gạt đất đồi, cuốc hố, đào rãnh… để trồng vụ tre măng Bát Độ mới. Đây là một trong những cây trồng trọng điểm, đem lại hiệu quả kinh tế của xã và huyện Trấn Yên.
Như nhiều gia đình khác ở thôn Nam Hồng, nhà anh Lương Đình Khương đã chuyển đổi diện tích đất trồng các loại cây kém hiệu quả sang trồng măng Bát Độ. Vụ này anh trồng mới 10 héc ta. Tuy gia đình neo người, nhưng nhờ có đội ngũ cán bộ tỉnh, huyện xuống giúp vận chuyển giống, cuốc đất, hướng dẫn kỹ thuật nên công việc được hoàn thành nhanh chóng.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng đến cuốc đất, góp sức cùng gia đình anh. Anh Khương thấy thật hạnh phúc, được tiếp thêm động lực để đầu tư mở rộng sản xuất tiến tới làm giàu.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy (ngoài cùng bên phải) cùng người dân xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên trồng măng Bát Độ.
Đối với các đảng viên của Chi bộ thôn Khuôn Bổ, nơi có gần 100% đồng bào dân tộc Mông ở xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên, đợt sinh hoạt định kỳ triển khai các nội dung, nhiệm vụ tháng 4 và quý II này thực sự ý nghĩa khi được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái cùng các lãnh đạo tỉnh, huyện đến dự cùng.
Nhiều công việc còn khó khăn, vướng mắc, chưa rõ đã được làm rõ và có phương hướng giải quyết cụ thể, nhất là các nội dung, phần việc trong thực hiện 10 tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu như: tỷ lệ nhà ở dân cư đảm bảo “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng); kiên cố đường trục thôn, xóm; thu gom rác thải xử lý theo quy định, tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường...
Bí thư Chi bộ thôn Khuôn Bổ Tráng Thị Nhà cho biết, đây không phải là niêm vui riêng của 11 đảng viên chi bộ, mà là của toàn bộ 80 hộ dân trong thôn. Qua đợt sinh hoạt này anh em tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp. Sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo trong buổi sinh hoạt của thôn thực sự là động lực để cán bộ, đảng viên và nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái dự sinh hoạt định kỳ của thôn Khuôn Bổ, xã Hồng Ca.
Bà Lâm Thị Liên ở thôn Yên Thành, xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Sau cái chết của cậu con trai 17 tuổi vì tai nạn giao thông, chồng bà Liên ốm đau nằm liệt 4 năm rồi qua đời, bà Liên cũng thường xuyên đau yếu, đứa con gái duy nhất giờ đã đi lấy chồng, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Trước thực tế khó khăn của bà Liên, từ nguồn vốn hỗ trợ ít ỏi để mua xi măng, sắt thép, đều đặn cứ vào những ngày cuối tuần là các tổ chức, đoàn thể như: Hội cựu chiến binh, phụ nữ, dân quân, thanh niên, Mặt trận Tổ quốc lại lên thôn Yên Thành cùng với bà con góp của, góp công xây nhà cho bà Liên. Sau vài tuần, căn nhà khang trang, trị giá hơn 100 triệu đồng đã được hoàn thành.
Bà Liên xúc động nói: Được các ban ngành, đoàn thể, bà con thôn bản đùm bọc, nhà hảo tâm giúp đỡ nay mưa không bị dột, đêm ngủ không phải lo nữa, gia đình rất phấn khởi.
Căn nhà của bà Lâm Thị Liên được hình thành từ "Ngày cuối tuần cùng dân" ở xã Hưng Thịnh.
Là xã còn nhiều khó khăn, vào ngày cuối tuần, xã Hưng Thịnh luôn giao những phần việc cụ thể để các tổ chức, đoàn thể và cán bộ, đảng viên giúp đỡ những gia đình còn khó khăn.
“Ngày cuối tuần cùng dân” ở Hưng Thịnh đã tạo sự gắn bó, sẻ chia giữa người dân vào cán bộ, giúp địa phương nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân, những khó khăn thực tế của cơ sở, từ đó chính quyền rút ra được kinh nghiệm để lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp hơn, sát với thực tế hơn. "Ngày cuối tuần cùng dân" còn giúp bộ mặt các thôn của xã cũng nhiều thay đổi khi đường làng được trồng hoa, có điện thắp sáng, vệ sinh môi trường đảm bảo, bà con dân bản cũng đoàn kết và chia sẻ với nhau hơn.
Ông Nguyễn Minh Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên cho biết: Trong 2 năm thực hiện, xã đã có 4 thôn đạt tiêu chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Năm 2022, Hưng Thịnh tiếp tục xây dựng chỉ số thôn thông minh như hướng dẫn, giúp đỡ bà con cài đặt sổ khám sức khỏe điện tử, lắp camera an ninh; giúp đỡ các gia đình, hợp tác xã có mô hình sản xuất rau an toàn, cây ăn quả có múi, đặc sản gà Mông đen lên sàn giao dịch... để chuyển đổi số của xã hiểu quả, đảm bảo đúng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới nâng cao trong thời gian tới.
“Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” ở huyện Trấn Yên nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung đã ghi dấu ấn, khẳng định vai trò, ý nghĩa của chương trình bằng những kết quả, phần việc cụ thể.
Riêng ở huyện Trấn Yên, từ năm 2020 đến nay, huyện đã tổ chức gần 300 buổi lao động cùng dân, với gần 25 nghìn lượt cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang và nhân dân tham gia, qua đó hơn 350 km đường thôn, bản được vệ sinh, trồng hoa; gần 200km đường giao thông nông thôn được xây dựng hệ thống chiếu sáng ban đêm; hàng chục hộ dân nghèo được giúp đỡ xây, sửa nhà; hàng trăm hộ dân được hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế…
Ông Nguyễn Cảnh Hiếu, Trưởng ban Dân vận – Chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc huyện Trấn Yên cho biết: Từ những kết quả bước đầu và được nhân dân ghi nhận, thời gian tới huyện sẽ tập trung vào hoạt động theo 3 nhóm công việc chính là tiếp tục hỗ trợ, giúp các địa phương xây dựng, củng cố, nâng cao các tiêu chí nông thôn mới, đặc biệt là chỉnh trang bộ mặt nông thôn; chuyển đổi số; nâng cao chỉ số hạnh phúc; hỗ trợ, định hướng phát triển kinh tế cho hộ nghèo. Giúp các chi bộ thôn duy trì nền nếp, nâng cao chất lượng các kỳ sinh hoạt chi bộ. Và tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác giải quyết các khó khăn, vướng mắc.
Từ mô hình dân vận khéo ở huyện Mù Cang Chải, đến nay, “Ngày cuối tuần cùng dân và doanh nghiệp” ở Yên Bái đã trở thành mô hình dân vận điển hình, lan tỏa rộng khắp, đảm bảo tính bền vững và không phô trương, hình thức, được đông đảo người dân ghi nhận. Đây là một trong những hoạt động thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020./.
Thừa Xuân/VOV Tây Bắc
Viết bình luận