Đất đai chật hẹp, không có điều kiện phát triển các loại cây trồng chủ lực ở địa phương như cà phê, hồ tiêu, anh Vũ Việt Dũng ở thôn 7, xã Ea Kpam, huyện Chư M’gar, chọn mô hình trồng nấm. Chỉ với 1000m2, anh Dũng trồng đủ các loại nấm, chủ yếu là nấm linh chi, bào ngư và nấm mèo.
Dũng cho biết, năm 2016, anh khởi nghiệp bằng mô hình trồng nấm bào ngư, do kinh phí hạn chế nên anh trồng thử nghiệm ban đầu 1.000 bầu nấm. Sau 4 tháng, thu được hơn 200kg. Với giá bán 50.000/kg, anh lãi 6 triệu đồng. Dù lợi nhuận không cao nhưng tạo cho Dũng động lực để mở rộng mô hình trồng nấm.
Vũ Việt Dũng kiểm tra các meo nấm
Năm 2017, được vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Đoàn thanh niên, anh đã xây dựng thêm lò hấp, nhà trại và đầu tư thiết bị kỹ thuật phát triển sản xuất. Đến nay, trại nấm của anh đã phát triển lên 10.000 bầu với các loại nấm, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động địa phương với mức lương từ 7 - 9 triệu đồng/tháng.
Cũng chọn nông nghiệp làm hướng phát triển kinh tế, anh Y’Linh Niê, sinh năm 1988, dân tộc Êđê, ở thôn 4, thị trấn Ea Pôk, huyện Chư M’gar, trồng hoa cúc, thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Anh Y’Linh cho biết, năm 2014, khi đang loay hoay tìm kiếm vốn để trồng hoa cúc thì anh được vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp của Đoàn thanh niên. Có vốn, Y’Linh đến Lâm Đồng học kỹ thuật canh tác hoa cúc và trồng hoa cúc thành công.
Y Linh Niê chăm sóc vườn hoa của mình
Anh Y’Nhuân Byă, Bí thư Tỉnh Đoàn Đắc Lắc, cho biết, đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp Tỉnh đoàn đã kết nối với các doanh nghiệp, đơn vị hỗ trợ vốn, giải ngân vốn các đề án cho đoàn viên thanh niên phát triển kinh tế. Đến nay, các cấp bộ Đoàn đang quản lý tổng dư nợ nguồn vốn vay ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội hơn 630 tỷ đồng, phân bổ nguồn vốn Quỹ quốc gia giải quyết việc làm kênh Trung ương Đoàn cho 6 đơn vị với tổng kinh phí 1,2 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã góp phần giúp đỡ thanh niên xây dựng các mô hình trồng trọt và chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hương Lý/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận