Hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Đắk Lắk
Thứ hai, 11:19, 28/12/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Sau 10 năm triển khai đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Quyết định số 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh Đắk Lắk tổ chức được hơn 1.000 lớp đào tạo nghề cho gần 36 nghìn lao động. . Sau đào tạo, các học viên đã có việc làm ổn định, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại địa phương.

 

Anh Trần Dũng Mạnh (29 tuổi, thôn 12, xã Ea Ktur, huyện Cư Kuin) là cử nhân Điện tử viễn thông, nhưng ra trường cả năm vẫn không tìm được việc làm theo ngành học.  

Năm 2014, anh đành theo học lớp sơ cấp nghề chăn nuôi heo mở tại địa phương. Anh nhanh chóng có việc làm và thu nhập ổn định với công việc nuôi heo gia công cho một doanh nghiệp lớn trên địa bàn.

Mỗi năm gia đình anh nuôi gia công 2 lứa với gần 2.000 con heo thịt, thu về khoảng 600 đến 700 triệu đồng. Trang trại của gia đình cũng góp phần tạo việc làm ổn đình cho 2 lao động tại chỗ với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Nhờ đào tạo nghề mà anh Mạnh có bước ngoặt  trong cuộc đời và có được sự nghiệp như hiện tại. Anh Trần Dũng Mạnh cho biết: theo anh mô hình đào tạo của Trung tâm giáo dục rất hay nhưng để phát triển và có kết quả tốt thì cần một sự liên kết mật thiết giữa trung tâm và học viên. Học viên học rất nhiều nhưng sự hỗ trợ về chi phí cũng như sự hướng tốt chưa thật sự đầy đủ nên học viên rất tự ti, đi học chỉ để biết. Nhưng nếu học để phục vụ gia đình hoặc làm quy mô nhỏ thì kinh tế sẽ không phát triển.

Lao động nông thôn sau đào tạo được trang bị kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao năng suất lao động - Ảnh: VOV

Anh Y Rô Zan Byă, buôn Sút Mđưng, xã Cư Suê, huyện Cư Mgar cũng có được công việc ổn định sau học nghề. Anh bắt đầu làm nghề xây dựng từ năm 2011, nhưng chỉ là lao động phổ thông.

Xác định bản thân cần có chứng chỉ hành nghề để thuận tiện trong quá trình nhận thầu tại các địa phương nên năm 2014 anh Y Rô Zan đã đi học nghề Kỹ thuật xây dựng trình độ sơ cấp tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cư Mgar.

Trong quá trình học gần 6 tháng vừa học lý thuyết vừa thực hành, anh được học thêm nhiều kiến thức về kết cấu và tính toán. Do đó khi học xong bản thân thấy tự tin hơn khi nhận công trình.

Hiện nay, mỗi năm anh nhận khoảng 20 công trình lớn nhỏ, lợi nhuận thu về hơn 300 triệu đồng, tạo việc làm cho 7 thợ xây khác với mức lương từ 7,5 đến 12 triệu đồng/tháng.

Không dừng lại ở đó, anh Y Rô Zan vẫn thường xuyên đi học thêm để nâng cao tay nghề và động viên các anh em trong đội thợ nên đi học lấy chứng chỉ nghề để sau này có thể tách ra nhận công trình làm riêng.

Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 theo Quyết định số 1956 của Thủ tướng Chính phủ được triển khai tại Đắk Lắk từ năm 2011.

Trong 10 năm qua, toàn tỉnh đã tổ chức được hơn 1.000 lớp đào tạo nghề cho gần 36 nghìn lao động. Trong đó, trên 82% số lao động được đào tạo có việc làm mới và làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập tăng lên.

10 năm qua, Đắk Lắk đã đào tạo được gần 36 nghìn lao động nông thôn - Ảnh: VOV

Đề án cũng góp phần thay đổi nhận thức và đời sống kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Người lao động sau khi học nghề nâng cao kiến thức, áp dụng các kiến thức đã được đào tạo vào lao động sản xuất, từ đó nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế ở nông thôn, từng bước thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Mục tiêu của Đắk Lắk trong giai đoạn tới là trên 80% số lao động qua đào tạo có việc làm phù hợp với ngành nghề được đào tạo và có năng suất lao động và thu nhập cao hơn.

10 năm qua, Đắk Lắk đã chi 105 tỷ đồng cho công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. - Ảnh: VOV

Ông Trần Phú Hùng, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Phó trưởng ban chỉ đạo Đề án tỉnh Đắk Lắk cho biết: Trong giai đoạn tới việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo Nghị quyết sẽ đào tạo cho khoảng 30 nghìn lao động nông thôn.

Đắc Lắc tập trung ưu tiên đào tạo cho các lĩnh vực và ngành nghề trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp. Trong nông nghiệp thì đào tạo tập trung ưu tiên đào tạo cho các ngành nghề về chế biến sâu công nghiệp chất lượng cao và chế biến sâu gắn liền với nghề chế biến.

Còn những nghề phi nông nghiệp sẽ gắn với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và lựa chọn những mũi nhọn của tỉnh có lợi thế để đào tạo, tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động trong tỉnh./.

 

H Xíu/VOV Tây Nguyên

 

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC