Gia đình ông Trần Hiền, thôn Liên Thịnh, xã Lương Thịnh, có 2 ha đồi, những năm trước gia đình ông chỉ trồng cây keo và bồ đề. Đây là những loại cây lâu năm, phải 6-7 năm mới được khai thác, mới có thu nhập. Vì vậy, gia đình ông thường gặp khó khăn về kinh tế trong khoảng thời gian này. Sau khi tìm hiểu thực tế từ các mô hình tre măng Bát độ của bà con trong xã, ông đã tính toán lại và quyết định chuyển đổi 1 ha sang trồng loại tre này.
Ông Trần Hiền nói: "Cây tre Bát độ theo tôi được biết vào năm thứ 2 là bắt đầu cho măng rồi. Từ chỗ đó gia đình chúng tôi bàn và thống nhất chuyển đổi sang trồng măng Bát độ". Gia đình ông Hà Tiến Trường năm nay cũng chuyển đổi 1ha đồi rừng sang trồng tre măng Bát độ.
Đến thời điểm này, hơn 100 héc ta măng Bát độ của xã Lương Thịnh cơ bản đã trồng xong. Ngay từ đầu mùa vụ, xã đã chỉ đạo các thôn vận động nhân dân chuyển đổi các diện tích rừng đã thu hoạch sang trồng măng; cung ứng giống và phối hợp với cơ quan chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật cho những hộ dân đăng ký trồng từ 0,5 ha trở lên.
Ông Triệu Khánh Thiện, phó Chủ tịch UBND xã Lương Thịnh, cho biết: "Đối với 100 héc ta cây tre Bát độ lấy măng, xã đã chỉ đạo bà con giải phóng đất, nhận giống và trồng toàn bộ diện tích trong vụ xuân, nhằm đảm bảo đúng thời vụ và tỷ lệ sống của cây sau trồng".
Huyện Trấn Yên có trên 2.500 ha tre măng Bát độ. Năm 2017, gần 1.600 ha đã cho thu hoạch, đem lại cho bà con hơn 40 tỷ đồng. Trong năm 2018, huyện có kế hoạch trồng mới trên 500 ha tại các xã Lương Thịnh, Hưng Khánh, Hồng Ca và Kiên Thành, phấn đấu đến 2020 hoàn thành Đề án trồng tre măng Bát độ của huyện, với tổng diện tích 4.000 ha. Huyện hỗ trợ giống (xã Kiên Thành) 1 triệu/ha, với các xã vùng xa không tự cung cấp được củ giống thì hỗ trợ 3 triệu đồng/ha.
Người dân được cán bộ hướng dẫn kỹ thuật trồng măng Bát độ
Ông Trần Hiền chuyển đổi 1 ha đồi rừng sang trồng tre măng Bát độ
Người dân Trấn Yên vào vụ trồng măng mới
Thừa Xuân/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận