Trong căn nhà mới trị giá cả tỷ đồng, ông Rơ ông Tuyên, ở tổ dân phố Đan Kia, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, cho biết: có được cơ ngơi này là nhờ trồng dâu, trồng hoa đấy. Năm 2015, Hội Nông dân huyện Lạc Dương vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển giao kỹ thuật canh tác luân canh theo hướng công nghệ cao, gia đình ông đã phá bỏ 3 sào cà phê già cỗi để trồng dâu áp dụng công nghệ tưới tự động. Từ đó, bình quân mỗi năm gia đình ông lãi hơn 100 triệu đồng.
Ông Rơ ông Tuyên trước ngôi nhà hơn 1 tỷ và vườn dâu tây áp dụng công nghệ tưới mới
Thấy mô hình trồng rau, hoa công nghệ cao vừa nhàn, vừa cho thu nhập đều, ông Rơ Ông Tuyên đang chuyển đổi dần toàn bộ diện tích 7 sào cà phê sang trồng hoa hồng: "Trồng cà phê thì bị sâu bệnh, mà một năm mới có tiền. Còn trồng cái này thì đỡ công cán hơn, ngày nào cũng có tiền. Bình quân một mùa thu từ 15-30 triệu. Năm tới tôi sẽ phá hết cà phê để trồng hoa".
Nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Lạc Dương nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu của thị trường, liên kết sản xuất rau, hoa theo hợp đồng thu mua của các doanh nghiệp. Ông Krajan Wơr, ở tổ dân phố Đan Kia, và ông Cil Philip, ở tổ dân phố B’Nơr C, thị trấn Lạc Dương, đã hợp tác chuyển đổi hơn 5 sào cà phê sang trồng bắp sú và hoa hồng.
Hai ông ký hợp đồng với đại lý bao tiêu sản phẩm theo giá 5.000đ/cây bắp sú và 1.000đồng/bông hồng. Với giá bán ổn định này, hàng năm ông Krajan Wơr thu lãi gần 300 triệu đồng, còn ông Cil Philip có lợi nhuận hơn 120 triệu đồng.
Ông Cil Philip bên vườn bắp sú được tưới tự động
Ông Cil Philip cho biết: "Trước đây chúng tôi không được tập huấn nên năng suất rau thấp lắm. Bây giờ chúng tôi năng suất rau đạt nhiều lắm và một năm chúng tôi có thể trồng được 3 vụ. Sản xuất rau hiện nay đã theo khoa học kỹ thuật nên đạt năng suất như mong muốn".
Những mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế cao đã thành điểm hẹn cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương đến học hỏi. Hiện, huyện Lạc Dương có 4.000 hộ tham gia sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, trong đó có khoảng 250 hộ người dân tộc thiểu số, với mức thu nhập bình quân hàng năm từ 100-150 triệu đồng.
Vườn hồng trong nhà kính của ông Krajan Wơr
Theo ông Nguyễn Hồng Thủy, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lạc Dương, Hội nông dân huyện đang đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đồng thời mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao công nghệ, tìm đối tác liên kết và hỗ trợ vốn cho nông dân áp dụng công nghệ vào sản xuất.
"Huyện đang định hướng xây dựng tổ hợp tác, tổ liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để ổn định đầu ra. Thông qua liên kết tiêu thụ, người nông dân thấy có lợi về đầu ra thì nhiều người đã tích cực tham gia. Hàng năm, nếu hội viên nông dân ai mạnh dạn đăng ký mô hình mới thì huyện sẽ tạo điểu kiện hỗ trợ thêm cho nông dân vay vốn để đầu tư sản xuất" - ông Thủy nói.
Ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng cao trong vùng dân tộc thiểu số ở tỉnh Lâm Đồng
Hiện nay, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại nhiều địa phương của tỉnh Lâm Đồng đã đạt kết quả ấn tượng. Ông Đa Cát Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lâm Đồng, cho biết, hiện toàn tỉnh có 11.000 ha đất sản xuất đạt giá trị hơn 500 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, hơn 700 ha đạt doanh thu hàng năm từ một đến ba tỷ đồng. Đã có 971 tổ chức, hộ nông dân được cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, Organic với quy mô hơn 2.500ha.
Tuy vậy, nhìn nhận lại thì nông nghiệp công nghệ cao vẫn còn rất nhỏ lẻ manh mún, chưa có nhiều mô hình liên kết trên quy mô lớn. Để giúp người nông dân yên tâm đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp một cách bền vững, ông Đa Cát Vinh cho rằng, cả nhà nước và doanh nghiệp cần có những kế hoạch bải bản để bảo vệ người nông dân trước những rủi ro về thời tiết và giá cả.
Theo ông Vinh: “Tôi cho rằng việc bảo hiểm cho những hộ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao hiện nay là cần thiết để bảo vệ cho họ khi có rủi ro. Đồng thời nhà nước cũng cần phải có quy hoạch vùng cho cụ thể và phải khống chế về mặt diện tích. Vấn đề thương hiệu cũng cần phải tính cho các loại sản phẩm nông nghiệp xuất xứ tại Lâm Đồng, để làm sao ổn định được sản phẩm từ khâu sản xuất đến đầu ra và đồng thời thương hiệu của mình quảng bá được trên thế giới".
Nam Trang/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận