Những mô hình khởi nghiệp mới, lạ trong thanh niên dân tộc thiểu số
Thứ tư, 16:40, 10/11/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Những năm gần đây ở xã Ea Mnang, huyện Cư Mgar xuất hiện nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp. Trong đó nhiều mô hình của thanh niên người dân tộc thiểu số phát triển từ sở thích khá mới mẻ, như mô hình sản xuất sáo trúc và chăn nuôi gà rừng.

 

Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng trong năm nay anh Đàm Đình Hiếu, 29 tuổi, dân tộc Tày, ở thôn Bình Hòa, xã Ea Mnang vẫn xuất khẩu được một số lô hàng phôi sáo trúc sang thị trường Nhật Bản và Ấn Độ.

Đàm Đình Hiếu cho biết, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nguồn nguyên liệu khó tìm và việc vận chuyển rất khó khăn nên anh chỉ nhận số lượng ít đơn hàng quốc tế, còn lại vẫn tập trung cho thị trường sỉ trong nước và các khách hàng lẻ mua sản phẩm hoàn thiện. 

Đàm Đình Hiếu khởi nghiệp từ niềm đam mê sáo trúc

Với Đàm Đình Hiếu, khởi nghiệp với sáo trúc là hướng rẽ tình cờ. Ban đầu vì đam mê và muốn tự mình tạo ra cây sáo hoàn thiện, anh tự mày mò học cách làm sáo trúc trên mạng internet. Sau nhiều lần thất bại, làm hư hàng trăm cây phôi, anh đã tự tạo được cây sáo ưng ý và đăng thành quả của mình lên các nhóm, hội liên quan đến sáo trúc trên trang mạng xã hội.

Nhận được phản hồi tích cực từ những người quan tâm tiềm năng kinh doanh từ sản phẩm sáo trúc, từ năm 2015 anh đã đầu tư mua thêm máy móc để chế tác sáo trúc rồi đăng bán.

Hiện nay, ngoài khách sỉ đặt hàng từ 1.000 – 2.000 ống phôi mỗi tháng, anh còn tận dụng trang mạng xã hội để bán lẻ sản phẩm sáo trúc hoàn thiện với giá từ vài trăm đến vài triệu đồng mỗi cây. Nhờ vậy đem lại nguồn thu nhập ổn định mỗi tháng từ 15 đến 20 triệu đồng.

Với số lượng đơn hàng ngày càng nhiều, anh Hiếu đang tính toán mở rộng sản xuất, mua sắm thêm thiết bị chế tác, tìm thêm thợ phụ và mở lớp dạy sáo trúc để tiếp tục với niềm đam mê của mình.

Anh Đàm Đình Hiếu chia sẻ: Mình làm cũng được 5 -6 năm rồi. Cung cấp cho các shop lớn và có Zalo, Facebook, Fanpage để bán hàng thì số lượng tháng nào cũng ổn định. Sắp tới thì em sẽ mở một cửa hàng nhạc cụ dân tộc và trực tiếp cung cấp sáo. Bên cạnh đó, em sẽ kết hợp với bạn bè. Bạn em sẽ dạy đàn, còn em dạy sáo cơ bản.

        

Cũng xuất phát từ sở thích cá nhân, anh Hoàng Văn Nam, 33 tuổi, dân tộc Nùng ở thôn 6 (xã Ea M'nang) đã chọn chăn nuôi gà rừng để kiếm thêm thu nhập. Hoàng Văn Nam kể, ban đầu chỉ nuôi gà cảnh để ngắm, rồi chia sẻ với bạn bè, đăng lên các trang mạng xã hội để giao lưu theo nhóm sở thích. Sau này, nhiều người tìm đến hỏi mua gà giống và nhờ chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, anh cũng vui vẻ chia sẻ.

Từ đầu năm 2020, anh bắt đầu đi sâu tìm hiểu và nhân rộng đàn, tăng dần số lượng gà bố mẹ lên 100 con. Vừa nhân đàn vừa bán giống, trong năm nay anh đã xuất chuồng được hơn 30 cặp gà giống. Theo anh Nam, giống gà đang nuôi được thuần hóa và lai tạo từ gà rừng nên còn giữ được nhiều đặc tính của gà rừng, lại được nuôi bán tự nhiên nên được khách hàng ưa chuộng, mỗi cặp gà giống sau 8 tháng nuôi có giá bán từ 800 nghìn đồng đến 1,2 triệu đồng.

Mặc dù nuôi gà chỉ là hoạt động kinh tế phụ, tận dụng diện tích vườn rẫy sẵn có (hơn 1ha) và nguồn thức ăn từ phụ phẩm trồng trọt nhưng so ra về kinh tế thì nuôi gà rừng vẫn có lợi thế hơn so với các loại vật nuôi khác. Do đó, anh đang hướng tới mở rộng theo hướng chăn nuôi trang trại giống gà này.

Những năm gần đây ở xã Ea Mnang, huyện Cư Mgar xuất hiện nhiều mô hình thanh niên phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp. Trong đó nhiều mô hình của thanh niên người dân tộc thiểu số phát triển từ sở thích khá mới mẻ. Riêng mô hình sản xuất sáo trúc và chăn nuôi gà rừng là 2 mô hình tuy mới nhưng bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế tốt, đem lại thu nhập ổn định cho thanh niên nên được đoàn xã quan tâm, khuyến khích.

Cùng với các hoạt động đồng hành, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi về mặt hành chính, đoàn xã cũng hỗ trợ tư vấn và kết nối để thanh niên được tiếp cận các nguồn vốn, tham quan học hỏi các mô hình để từ đó có thêm định hướng khởi nghiệp, lập nghiệp cho bản thân.

Anh Nguyễn Văn Mẫn, bí thư đoàn xã Ea Mnang cho biết: Sắp tới Đoàn xã sẽ tham mưu làm các hồ sơ để xin vay nguồn vốn hỗ trợ từ quỹ khởi nghiệp đối với Huyện Đoàn và tổ chức cho đoàn viên thanh niên trên địa bàn tham quan các mô hình này để học tập thêm mô hình phù hợp với từng lĩnh vực của đoàn viên thanh niên./.

 

H Xíu/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC