Nông dân Sơn La thu tiền tỷ từ nhãn ghép
Thứ sáu, 00:00, 28/07/2017
VOV4.VN - Cùng với Xoài, Mận, Đào - những loại quả đặc sản của vùng cao Sơn La, thì nhãn Sông Mã có đặc điểm quả to, cùi dày, hạt nhỏ, ăn ngọt mát, đã và đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Cây nhãn được trồng tại huyện Sông Mã cách đây hơn 50 năm, và 10 năm trở lại đây, nhãn đã trở thành cây kinh tế chủ lực, giúp hàng ngàn hộ dân làm giàu bền vững.

Mùa này đến Sông Mã, mãn nhãn với những rừng nhãn ngút ngàn, lúc lỉu chùm quả mùa thu hoạch. Người bẻ nhãn, người bóc nhãn, xe chở hàng từ các tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, Lạng Sơn đến thu mua nhãn chở về miền xuôi tiêu thụ.

Huyện Sông Mã có gần 32.000 hộ trồng nhãn với diện tích gần 5.500 ha

Gia đình anh Lê Công Hoàn ở bản C5, xã Chiềng Khoong, đang bẻ nhãn. Những chùm nhãn hàng trăm quả, vàng mọng. Gia đình anh Hoàn trồng nhãn từ năm 1988, khi ấy vẫn là giống nhãn địa phương. Nhận thấy giống nhãn địa phương trồng vất vả mà năng suất lại không cao, năm 2010, anh quyết tâm mày mò, học hỏi, được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn kỹ thuật ghép nhãn chín muộn Hưng Yên, hay còn gọi là giống nhãn Miền, anh đã đầu tư hơn 300 triệu đồng để mua đất và áp dụng kỹ thuật cấy mắt ghép vào thân những cây nhãn địa phương sẵn có. Giờ đây anh đã có 2 ha nhãn ghép, năng suất mỗi năm đạt 30 tấn quả tươi, lãi hơn 500 triệu đồng.

Sản lượng nhãn ở Sông Mã là 35.000 tấn quả tươi/năm

Hiện Sông Mã có gần 32.000 hộ trồng nhãn, với diện tích 5.500 héc ta, trong đó 3.500 héc ta là cây nhãn ghép, chiếm 80% diện tích cây ăn quả toàn huyện. Mỗi năm nhãn cho sản lượng bình quân 35.000 tấn quả tươi, cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh miền xuôi.

Nhằm thực hiện chuỗi cung ứng sản phẩm nông sản an toàn và hỗ trợ đầu ra cho các sản phẩm, đến nay huyện đã thành lập 16 hợp tác xã trồng cây ăn quả, trong đó 04 hợp tác xã đã có chứng nhận sản xuất VietGap, từ đó giúp các thành viên trong hợp tác xã yên tâm lao động sản xuất.

 Long nhãn dễ làm, cả người lớn, trẻ em đều có thể làm được nhưng rất tỷ mỉ, kỳ công

Ông Lê Danh Phúc, Phó giám đốc hợp tác xã Bảo Minh, cho biết: "Trong tương lai, Hợp tác xã Bảo Minh sẽ đưa quả nhãn đi các thị trường khó tính như siêu thị trong nước hoặc xuất khẩu sang nước ngoài, vì diện tích nhãn ở huyện Sông Mã rất lớn, năng suất rất là cao".

Nhãn ghép Sông Mã dễ trồng, dễ chăm sóc, từ khi trồng tới lúc ghép mắt, chỉ 3 năm đã có thể thu hoạch. Nhãn ghép có đặc điểm quả to, cùi dày, hạt nhỏ, dịu ngọt. Hiện nay, hình thức tiêu thụ chủ yếu là xuất dưới dạng quả tươi, chiếm khoảng 80%. Mỗi kg nhãn tươi có giá từ 20.000-50.000 đồng, 20% còn lại làm long nhãn có giá từ 200.000-250.000 đồng/kg.

 24 tiếng sấy được sản phẩm long nhãn, có giá bán từ 200-250 ngàn đồng/kg

Để giúp người dân từng bước áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên một diện tích đất canh tác, đồng thời có thị trường tiêu thụ ổn định, bà Lê Thị Yến, Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, cho biết:

"Huyện sẽ quan tâm tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là trong sản xuất nhãn thì tập trung vào mấy khâu, thứ nhất là cải tạo giống, thứ hai là quy trình tưới ẩm để nâng cao năng suất của cây nhãn".

Sản phẩm nhãn Sông Mã đang hướng đến những thị trường lớn, không chỉ trong nước mà xuất ra cả nước ngoài. Quyết định công nhận “Nhãn hiệu chứng nhận” cho sản phẩm Nhãn Sông Mã của Cục sở hữu trí tuệ tới đây là con đường cho nhiều hộ nông dân vùng cao Sông Mã trở thành tỷ phú.

 

 

 

 

Tuyết Lan-Hoàng Long/VOV-Tây Bắc



 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC