Với lợi thế về nguồn nước, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, Sơn La đã quan tâm, chú trọng phát triển các mặt hàng nông sản có thế mạnh của địa phương, đẩy mạnh sản xuất sản phẩm nông sản sạch. Tỉnh có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển sản xuất rau, củ, quả an toàn, xây dựng các mô hình, hợp tác xã sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VIETGAP.
Các hợp tác xã, hộ nông dân đã đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật đẩy mạnh phát triển trồng rau, củ, quả an toàn. Hiện nay toàn tỉnh có gần 6.000ha sản xuất rau củ, quả, sản lượng đạt hơn 77 nghìn tấn/năm, doanh thu ước đạt hơn 386 tỷ đồng. Sản phẩm rau, củ được tiêu thụ trong tỉnh, cung cấp cho thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận.
Sản xuất rau an toàn theo chuẩn VietGAP
Ông Hà Văn Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, cho biết: “Mai Sơn có 2 HTX được chứng nhận VietGAP, diện tích 12 héc ta, tập trung chủ yếu ở hai hợp tác xã là Diệp Sơn và Tiên Sơn. Sản phẩm đã cung cấp cho một số bếp ăn tập trung cho học sinh bán trú trên địa bàn huyện".
Tỉnh Sơn La hiện có 18 Hợp tác xã sản xuất rau an toàn với diện tích gần 108 héc ta. Trồng rau theo chuỗi an toàn và quy trình VietGap được các hợp tác xã áp dụng, mang lại hiệu quả, tăng thu nhập cho các thành viên. Ông Phạm Thanh Thưởng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tiên Sơn, huyện Mai Sơn, nói: “Hợp tác xã đã có kinh nghiệm nhiều năm sản xuất rau an toàn. Chúng tôi phổ biến cho bà con trồng theo quy trình là trồng đồng loạt và phân bón cũng theo quy trình kỹ thuật".
Tỉnh Sơn La phấn đấu đến năm 2020, sản xuất rau trở thành một ngành phát triển theo hướng chuyên canh, tập trung, có năng suất chất lượng cao bằng công nghệ tiên tiến, trồng trong nhà lưới và trực tiếp ngoài trời. Tỉnh đã xây dựng 10 héc ta mô hình điểm sản xuất giống rau tại huyện Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu, Phù Yên và thành phố Sơn La, nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất của các hộ nông dân.
Ông Nguyễn Thế Phương, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La, cho biết: “Liên minh HTX tỉnh tổ chức các lớp tập huấn trồng, sản xuất rau quả theo tiêu chuẩn Vietgap, quản lý sau thu hoạch. Hai là, phối hợp với Ngân hàng nông nghiệp - phát triển nông thôn tổ chức các lớp tập huấn về cho vay vốn theo nghị định 55. Hiện tại một số hợp tác xã sản xuất rau tiếp cận nguồn vốn này rất hạn chế".
Thanh Thủy/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận