Tham gia Hợp tác xã nông nghiệp công bằng Pô Kô, khó khăn của các thành viên được giảm thiểu.
Thứ ba, 15:01, 29/06/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Đối diện với những khó khăn do dịch bệnh COVID-19 gây ra, các Hợp tác xã ở Kon Tum đã phát huy tinh thần đoàn kết, vượt qua thách thức và sẵn sàng cho giai đoạn phát triển mới thời kỳ hậu đại dịch.

 

Hợp tác xã nông nghiệp công bằng Pô Kô, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, có 113 thành viên với 172ha chuyên canh cây cà phê, cung cấp nguyên liệu chất lượng cao cho các nhà rang xay quốc tế.

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát, Hợp tác xã hoàn toàn không có sự chuẩn bị trước cho tình huống này, nên nhiều đơn hàng ứ đọng tới hơn 1 năm so với kế hoạch. Cùng với đó cước tàu biển tăng gấp gần 10 lần so với trước, container để đóng hàng thiếu hụt khiến cà phê xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.

Để duy trì sản xuất, Hợp tác xã nông nghiệp công bằng Pô Kô khuyến khích các thành viên trồng thêm các sản phẩm ngoài cà phê, như đậu, đỗ, mè để vừa có thêm thu nhập lại vừa duy trì chất dinh dưỡng cho đất và giảm được chi phí phân bón cho cây cà phê.

Từ cà phê và các cây trồng xen, Hợp tác xã phát triển thêm 2 sản phẩm bán lẻ trong nước, gồm cà phê bột pha phin với tỷ lệ 100% quả chín và trà gạo lứt chăm sóc sức khỏe. Năm 2020 tổng doanh thu của Hợp tác xã vẫn đạt trên 18 tỷ đồng.

Bà Phạm Thị Huyền Anh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hợp tác xã nông nghiệp công bằng Pô Kô cho biết: Hợp tác xã đã có những thay đổi phù hợp trong chiến lược kinh doanh để thích nghi và thêm vững vàng trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Trước đây HTX chỉ xuất khẩu và bán buôn thì bây giờ đang xây dựng hệ thống để bán cho khách hàng nội địa ở Việt Nam.

Hợp tác xã nông nghiệp công bằng Pô Kô cũng hợp tác với các tổ chức các nhà phân phối ở Việt Nam để tạo thành một hệ thống bán hàng online. Và như thế là ngoài việc tiết kiệm được chi phí mặt bằng thì HTX có thể lan tỏa được hình ảnh của Hợp tác xã cũng như sản phẩm tốt của Hợp tác xã đến với thị trường trong nước.

Bà Phạm Thị Huyền Anh (thứ hai từ trái qua) giới thiệu máy rang cà phê Hợp tác xã mới đầu tư để phát triển sản phẩm cà phê bột.

Thực tế tại Kon Tum cho thấy, dù COVID-19 đã gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhưng với tinh thần đoàn kết và được tổ chức tốt, nhiều hợp tác xã vẫn phát triển vững vàng.

Tại Thôn 3, xã Kon Đào, huyện Đăk Tô, Hợp tác xã Mắc ca Nhân Hòa gồm 9 thành viên là một ví dụ. Covid-19 khiến thị trường tắc nghẽn, giá sản phẩm xuống thấp nhưng hợp tác xã vẫn đầu tư theo đúng lộ trình, như mở rộng diện tích trồng mới, đầu tư dây chuyền bóc vỏ xanh, sấy khô và bảo quản sản phẩm.

Ông Nguyễn Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Giám đốc Hợp tác xã Mắc ca Nhân Hòa cho biết:Trong điều kiện dịch bệnh chúng ta có một tập thể Hợp tác xã liên kết các thành viên, cùng nhau làm, cùng nhau nghiên cứu, cùng nhau phát triển và cùng nhau góp vốn sẽ có những sức mạnh lớn hơn.

Cây Mắc ca là cây mới cần phải có một nghiên cứu. Mỗi người tự mày mò thì sẽ khó khăn hơn. Các HTX tập hợp nhau lại các thành viên mỗi người có một thế mạnh khác nhau cùng góp lại, hợp tác lại để cùng nhau phát triển và cùng nhau đem lại đời sống tốt hơn cho tất cả các thành viên trong Hợp tác xã.

Tỉnh Kon Tum hiện có 187 Hợp tác xã với trên 9.600 thành viên và người lao động. Thống kê của Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum cho thấy, khoảng 80% Hợp tác xã trong tỉnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Bá Lộc, thành viên Hợp tác xã nông nghiệp công bằng Pô Kô: khi tham gia Hợp tác xã thì nông dân vượt khó thuận lợi hơn. Tham gia Hợp tác xã mang lại nhiều lợi ích là vì có được giúp đỡ về kỹ thuật, giúp đỡ về phân bón đầu tư và thu mua giá cà phê cao hơn được cộng thêm 2.500 đồng so với giá ngoài thị trường.

Tham gia Hợp tác xã nông nghiệp công bằng Pô Kô, khó khăn của các thành viên được giảm thiểu.

Trong hành trình vượt khó duy trì sản xuất kinh doanh, sự đoàn kết, thống nhất của xã viên; sự năng động, nỗ lực của Ban quản trị các HTX, là quan trọng nhất. Bên cạnh đó còn có sự đồng hành của các Quỹ tín dụng nhân dân.

Các quỹ này đã kịp thời cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giảm lãi suất cho thành viên; cải cách thủ tục để các hộ thành viên tiếp cận kịp thời các nguồn vốn, giúp nguồn lực đầu tư không bị gián đoạn bởi các biến cố thị trường.

Theo ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Kon Tum, cho biết, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục phát huy tốt vai trò nòng cốt để hỗ trợ các Hợp tác xã phát triển. Liên minh tăng cường tham mưu, kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể các cấp nhằm đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, có hiệu quả giữa các ngành trong triển khai thực hiện các chính sách về kinh tế tập thể và phát huy vai trò của các thành viên trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.

Việc các Hợp tác xã của tỉnh Kon Tum phát huy tốt tinh thần đoàn kết, có những cách làm sáng tạo để vượt qua thách thức mà dịch bệnh COVID-19 gây ra là sự khích lệ, động viên rất lớn cho các Hợp tác xã khác trong bối cảnh dịch bệnh còn có thể kéo dài. Điều này cũng cho thấy giá trị của mô hình Hợp tác xã đối với một tỉnh mà điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn như Kon Tum./.


Khoa Điềm
/
VOV- Tây Nguyên

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC