Thu tiền tỉ khi trồng cây ăn quả, cây công nghiệp
Thứ hai, 00:00, 27/11/2017
VOV4.VN - Tại nhiều nơi ở miền núi tỉnh Khánh Hòa, người dân đang chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phá bỏ các loại cây ngắn ngày, kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) trở thành điểm tựa giúp người dân miền núi phát triển kinh tế.

 

Anh Nguyễn Văn Khoa, ở thôn Đông, xã Sông Cầu, huyện Khánh Vĩnh, có 2 khu vườn rộng gần 2ha. 5 năm trước, anh trồng sầu riêng, măng cụt, sau đó trồng bưởi da xanh. Trồng cây ăn quả, chi phí cải tạo đất, cây giống, công chăm sóc ban đầu rất lớn và phải chờ 3-4 năm mới sau thu hoạch lứa đầu tiên. Anh Khoa vay 200 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đầu tư cho khu vườn này. Đến nay, mỗi năm anh thu khoảng 300 triệu đồng từ trồng cây ăn quả.

Anh Nguyễn Văn Khoa kỳ vọng, mỗi năm tới, anh thu nhập cả tỷ đồng từ khu vườn này: "Trồng măng cụt, sầu riêng, xen thêm cây bưởi, đầu tư ban đầu nguồn vốn lớn, rất khó khăn. Phải cần nguồn vốn của Ngân hàng mới có để đầu tư trồng cây. Nhờ từ đó mới phát triển được kinh tế, không biết thủ tục thì được nhân viên ngân hàng  hỗ trợ. Thủ tục cũng nhanh. Chỉ trong 2 ngày là xong".

Cán bộ tín dụng Agribank Khánh Hòa kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay của người dân huyện Khánh Vĩnh

Tại xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh ruộng mía chuẩn bị vào mùa thu hoạch hứa hẹn mang lại nguồn thu lớn. Bà Lâm Thị Sáu, ở thôn Hòn Dù, cho biết gia đình trồng hơn 120ha mía. Hằng năm, mỗi ha cần phải đầu tư 30-40 triệu đồng tiền phân, công chăm sóc. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn luôn đồng hành với người trồng mía.

"Rất là vất vả nhưng sau lưng mình có Ngân hàng Nông nghiệp chống đỡ, cho nên thiếu vốn hay thiếu gì có ngân hàng hỗ trợ nên cũng không lo lắng. 300 công nhân nói chung một tháng thấp nhất họ cũng được 6 triệu đồng/ người, có người 10 triệu đồng" - bà Sáu nói.

Chương trình phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một trong bốn chương trình trọng điểm mà tỉnh Khánh Hòa thực hiện trong giai đoạn 2016 – 2020.  Trong đó, tỉnh Khánh Hòa ưu tiên phát triển các loại cây trồng chủ lực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Huyện Khánh Vĩnh đã xác định 4 loại cây trồng chủ lực gồm: bưởi da xanh, mít nghệ, sầu riêng và cây xoài. Đến nay, huyện Khánh Vĩnh đã xây dựng được các vùng chuyên canh cây ăn quả với khoảng 300 ha, một nửa trong số đó đã cho thu hoạch. Các sản phẩm này có đầu ra ổn định, mang lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi héc ta cho người dân.

Cán bộ tín dụng Agribank Khánh Hòa tìm hiểu thực tế  tại các vườn trồng cây ăn quả của người dân

Ông Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc Agribank - Chi nhánh Khánh Hòa, cho biết, trong giai đoạn tới, Agribank Khánh Hòa sẽ tập trung mở rộng tín dụng tại khu vực nông thôn, đặc biệt là 2 huyện miền núi Khánh Vĩnh, Khánh Sơn; tăng cường cho vay qua tổ vay vốn, thông qua sự hỗ trợ, giúp đỡ tích cực của các cấp chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Nguyễn Xuân Huy, sự phối hợp giữa Ngân hàng  với các địa phương có tác động tích cực trong việc mang chính sách tín dụng của Nhà nước phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

 

 

 

 

Thái Bình/VOV-Miền Trung

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC