Triển vọng từ cây nghệ dược liệu ở huyện Krông Pách
Thứ tư, 00:00, 09/08/2017
VOV4.VN - Chưa bao giờ diện tích cây nghệ vàng (đông y gọi là Khương Hoàng) ở Đắc Lắc lại có vị thế như ở thời điểm này. Chỉ sau vài năm được đưa vào trồng chuyên canh, nghệ đã chiếm được hàng nghàn héc ta đất của ngô của sắn, trở thành người bạn mới của nhà nông.




Đám rẫy 2,6ha của gia đình ông Huỳnh Văn Tuấn, thôn 9, xã Krông Búc, huyện Krông Pách, năm nay không còn bóng cây ngô nào. Thay vào đó là màu xanh mướt những cây nghệ đang thời kỳ vào củ.

Ông Tuấn cho biết,  năm ngoái, chỉ chuyển đổi một nửa diện tích đám rẫy này sang trồng nghệ, sau 9 tháng đã thu được 35 tấn củ tươi, bán được hơn 270 triệu đồng, lãi trên 210 triệu đồng, gấp 6 lần trồng ngô. Năm nay, ông  chuyển đổi tất cả, và vườn nghệ đang phát triển rất tốt.

Ông Tuấn rất lạc quan sẽ có thêm một mùa vụ thành công nữa: "Năm nay, mưa nắng thuận hòa nên giờ vườn nghệ phát triển rất tốt. Tôi nghĩ, năng suất năm nay sẽ cao hơn năm ngoái. Đất đỏ ở đây hợp với nghệ, không cần dùng nhiều phân như các loại cây khác".

Cán bộ nông nghiệp và kỹ sư của đơn vị thu mua thường xuyên có mặt giúp đỡ các hộ dân

Vụ trước, gia đình ông Hoàng Đức Tiến, ở thôn 9, xã Krông Búc, trồng 1,5 ha, thu được 40 tấn củ, lãi trên 250 triệu đồng. Ông Hoàng Đức Tiến chia sẻ, nghệ là loài cây trồng lấy củ nên điều quan trọng nhất mà cây cần là đất tơi xốp.

Mà ở Đắc Lắc, hầu như đâu đâu cũng sẵn loại đất này, nên dễ đạt năng suất cao. Thêm vào đó, vòng đời của cây nghệ chỉ 9 tháng, mà Đắc Lắc lại có đến 6 tháng mùa mưa, nên việc chăm sóc cũng tương đối đơn giản. Cây không cần tưới mà vẫn phát triển tối đa.

Ông Tiến cho biết: "Vùng nào chứ như Tây Nguyên thì trồng tốt lắm, củ to. Cứ đầu mùa mưa là mình trồng, mua củ giống về thì cứ ủ bao rồi khi cây ra mầm là trồng. Về phân bón, trước lúc trồng thì nên lót ít lân, sau khi nghệ được một tháng thì mình bỏ NPK đủ thành phần dinh dưỡng là được".

Nhìn thấy tiềm năng từ những rẫy nghệ bạt ngàn ở Đắc Lắc, một số doanh nghiệp đã tìm tới và xây dựng quan hệ hợp tác đầu tư với nông dân. Gia đình anh Trần Văn Long, ở buôn nghèo Kon Wang, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pách, là một trong số hàng trăm hộ đã ký hợp đồng trồng nghệ dược liệu cho một doanh nghiệp tại Hà Nội.

Anh Long cho biết doanh nghiệp cho ứng trước từ tiền công chăm sóc,  giống, phân bón vi sinh cho đến thuốc trừ sâu chế phẩm sinh học. Khi thu hoạch, công ty thu sản phẩm với giá sàn 7,5 triệu đồng/tấn nghệ củ tươi.

Cây nghệ có triển vọng mang lại nguồn lợi kinh tế lớn cho người dân

Người dân thì nhìn thấy hiệu quả của cây nghệ ở chỗ dễ trồng, giá cao và những hấp dẫn trong mối quan hệ hợp tác với doanh nghiệp. Còn doanh nghiệp nhìn thấy những triển vọng lớn hơn khi loại cây dược liệu này được dùng để chiết xuất Curcumin, có tác dụng chống viêm, chống ôxy hóa mạnh.

Theo bà Nguyễn Thị Thạo, Công ty Solavina Hà Nội, doanh nghiệp chuyên đầu tư trồng cây dược liệu và chế biến sâu các sản phẩm: Solavina coi Tây Nguyên là địa bàn chiến lược để sản xuất cây dược liệu, trước hết là cây nghệ.

Thay vì đi thu mua sản phẩm có sẵn, Solavina đang xây dựng những vườn nghệ riêng của mình, nhằm có được nghệ nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GMPO; gắn với đó là xây dựng nhà máy chiết xuất Curcumin tạivùng nguyên liệu, cùng với mở rộng ra thị trường trong nước và xuất khẩu.

 

 

 

 

Tuấn Long/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC