Tỉnh Kon Tum có trên 283.000 người là đồng bào dân tộc thiểu số tương đương hơn 53% dân số của tỉnh, trong đó 7 dân tộc bản địa chiếm số lượng lớn, gồm: Xơ Đăng, Ba Nar, Giẻ-Triêng, Gia Rai, B’râu, Rơ Măm và H’rê. Thời gian qua, địa phương luôn chú trọng tuyên truyền phòng chống dịch trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Gần 1 tháng nay ngày nào cũng vậy, anh A Tú, thôn trưởng làng Kon Bỉ, xã Đăk Tờ Lung, huyện Kon Rẫy đến từng hộ dân trong làng để tuyên truyền cho bà con biết cách phòng chống dịch bệnh.
Anh A Tú, cho biết: Xã cấp cho thôn khẩu trang tôi đã phát hết cho bà con. Hộ 5 khẩu thì 5 khẩu trang. Hộ 4 khẩu thì 4 khẩu trang. Yêu cầu người lớn chỉ ra ngoài khi cần thiết. Đi làm nương rẫy tránh tập trung đông người. Khi có người lạ tôi cũng báo cáo với lãnh đạo địa phương”.
Nhờ những thông tin mà thôn trưởng A Tú truyền đạt, 78 hộ dân của làng đều biết địa phương đang có dịch bạch hầu, sốt xuất huyết và cần tăng cường phòng dịch Covid-19.
Cùng với cán bộ y tế cơ sở, thôn trưởng, già làng, người có uy tín của làng Kon Bỉ đã có nhiều đóng góp trong việc tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức và biết cách phòng chống dịch bệnh.
Thực tế cho thấy ở gần 600 làng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Kon Tum chính các thôn trưởng, già làng, người có uy tín là những tuyên truyền viên sát dân, gần hộ nhất giúp bà con trong cộng đồng biết thông tin, không hoang mang và tin tưởng vào các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Chính nhờ đội ngũ này chính quyền xã đã quản lý tốt những người về từ vùng có dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Văn Niệm, Chủ tịch UBND xã Ya Xiêr, huyện Sa Thầy cho biết: Cán bộ ở thôn làng sát dân, sát nhà khi có công dân về là tiếp cận ngay và đề nghị các công dân đó đến Trạm Y tế khai báo, làm các thủ tục quản lý y tế. Để nâng cao nhận thức của dân thành lập tổ, nhóm đi xuống cộng đồng tư vấn trực tiếp. Đặc biệt công dân được cách ly tại nhà thực hiện nghiêm túc triệt để không hình thức cán bộ thôn rồi đảng viên tới nhà phổ biến quy trình cách ly cho có hiệu quả”.
Ảnh minh họa- Nguồn VOV.
Để việc phòng chống 3 loại dịch bệnh ở vùng dân tộc thiểu số đạt hiệu quả, cùng với phát huy tốt vai trò của thôn trưởng, già làng, người có uy tín, chính quyền các xã của tỉnh Kon Tum đa dạng hình thức tuyên truyền giúp người dân “dễ thấy, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo”.
Những ngày này, đến làng nào cũng thấy pa nô, áp phích, khẩu hiệu tuyên truyền do ngành y tế, chính quyền, đoàn thể địa phương bố trí tại những nơi nhiều người dân qua lại.
Cùng với đó các xã còn sử dụng hệ thống loa truyền thanh không dây, thành lập Đội tuyên truyền lưu động sử dụng loa phóng thanh tới từng ngõ xóm chuyển tải thông tin phòng chống dịch đến người dân. Nội dung tuyên truyền được biên tập phù hợp với khả năng tiếp nhận thông tin từng nhóm đối tượng.
Ông A Trúc, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Wang, huyện Đăk Hà, cho biết: Từ khi có các dịch bệnh xảy ra, địa phương chủ động tuyên truyền, vận động người dân làm tốt vấn đề vệ sinh môi trường để phòng chống các dịch bệnh. Tuyên truyền bằng các hình thức tuyên truyền miệng, tờ rơi.
Ảnh minh họa- Nguồn:VOV.
Xã Ngọc Wang cung thành lập Đội tuyên truyền lưu động bằng loa lưu động ở các điểm thôn trên địa bàn xã. Cán bộ văn hóa xã hội cũng biên tập những bài tuyên truyền thực tế tại địa phương để người dân hiểu và nhận thức được.
Nhờ những đợt tuyên truyền như thế, hầu hết người dân đều nhận thức tốt và tình hình dịch bệnh đến nay cũng chưa có vấn đề gì trầm trọng”./.
Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận