Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở Lâm Đồng
Thứ ba, 00:00, 22/08/2017 Việt Phú BT bài+ 2 ảnh Việt Phú BT bài+ 2 ảnh
VOV4.VN- Trong vài năm trở lại đây việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ở nước ta đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm truyền thống. Năng suất và chất lượng cây trồng vật nuôi ngày càng được nâng cao và khẳng định được uy tín trên thị trường. Đời sống bà con có nhiều thay đổi tích cực.

Làm giàu sau khi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp

 

Gia đình ông K’Bia ở thôn Ha Wai, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, có 4 sào đất, trước đây trồng cà phê nhưng hiệu quả không cao. Chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ông đầu tư trồng ớt. Hiện tại, với giá ớt khoảng 20 nghìn đồng/kg, mỗi tuần ông thu khoảng 12 triệu, bình quân thu nhập khoảng 48-50 triệu đồng/sào. 

Thành quả đó là do ông đã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và được cán bộ nông nghiệp huyện tư vấn, hướng dẫn kỹ càng. 4 sào ớt cùng các loại cây trồng xen được chắn lưới và tưới thông qua hệ thống nhỏ giọt, vừa tiết kiệm nước, tiết kiệm công sức mà cây trồng lại phát triển tốt.

Ông K'Bia tại vườn ớt ứng dụng công nghệ cao. Ảnh: Việt Phú

Cũng nhờ ứng dụng công nghệ nhà lưới mà ớt không bị sâu bệnh, quả ớt to đều, không bị ủng, không bị thối, được thương lái đặt mua ngay tại vườn, nên tiết kiệm được cả chi phí vận chuyển, đi lại.. 

Giờ đây không những thoát nghèo và gia đình ông K’Bia đã làm giàu được từ cây ớt. Vào những vụ cao điểm, ông K’bia còn tạo việc làm cho gần 30 lao động địa phương, với thu nhập bình quân 200 nghìn đồng/người/ngày.

Bà con K’Ho ở Đơn Dương áp dụng công nghệ cao cả trong chăn nuôi bò sữa. Như gia đình bà Ma Hồng ở thôn Ka Đô mới 2, xã Ka Đô, đã đầu tư hơn 600 triệu đồng để hiện đại từ chuồng trại đến quy trình chế độ ăn và vắt sữa, do vậy 12 con bò sữa của gia đình bà mỗi ngày cho tới 1 tạ sữa, giá bán 14 nghìn đồng/lít.

Thu nhập bình quân đầu người ở Đơn Dương khoảng 50 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,5%.

 

Công nghệ cao, hay nhưng khó ứng dụng!

 

Có đất, có sự hỗ trợ khoa học kỹ thuật, nhưng thiếu vốn đầu tư công nghệ cao, đó là cái khó nhất đối với những người dân ở Đơn Dương này. Như nhà ông K’Bia, khi làm nhà lưới, ông muốn vay ngân hàng khoảng 400 triệu nhưng chỉ vay được 20 triệu, bởi ngân hàng không công nhận nhà lưới là tài sản gắn liền với đất để có thể thế chấp vay vốn.

Ngân hàng cũng chưa coi đất đai của nông dân là một dạng tài sản, khi trên thực tế đất canh tác của ông K'Bia bán trao tay quyền sử dụng đã có thể lên tới 400-500 triệu/sào. Đây cũng là điều mà thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh rất quan tâm trong một hội nghị gần đây, liên quan đến đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Còn một khó khăn nữa với những hộ gia đình ứng dụng sản xuất công nghệ cao ở Đơn Dương, là đầu ra cho nông sản. Với gia đình ông K’Bia, thời điểm này may mắn là được mùa được giá, nhưng chưa có doanh nghiệp nào đăng ký, hoặc ký hợp đồng thu mua ổn định. Đa phần thương lái mua tự phát. Vậy nên các gia đình phải tìm cách ứng phó bằng cách trồng xen canh nhiều loại cây. 

\

Bà Ma Hồng, người đi đầu ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi bò sữa ở Đơn Dương. Ảnh: Việt Phú

Với hơn 9000ha rau theo hướng công nghệ cao, việc mở rộng diện tích đang được bà con Đơn Dương phát triển với tốc độ khá nhanh. Trong khi huyện lại chưa có quy hoạch cho từng vùng chuyên canh. Ông Huỳnh Ngọc Thạch, Phó phòng nông nghiệp huyện Đơn Dương, cho rằng: Xu hướng sẽ mở rộng, song sẽ không ồ ạt và có vùng quy hoạch nhưng đảm bảo ổn định.

Nhận diện rõ những khó khăn, phân tích rõ nguyên nhân thì mới có thể tìm được hướng tháo gỡ hiệu quả. Từ kết quả bước đầu: huyện về đích đầu tiên trong phong trào xây dựng nông thôn mới của cả nước, nếu tháo gỡ nhanh những khó khăn vừa nêu, thì chắc chắn  trong tương lai không xa, nông dân Đơn Dương sẽ trở thành những nông dân giỏi sản xuất công nghệ cao nhất cả nước.

 

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT bài+ 2 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC