Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp ở miền núi Thừa Thiên Huế
Thứ ba, 00:00, 22/12/2020 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Những mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm, trồng rau, hoa trong nhà kính được đầu tư bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất đã góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn ở khu vực miền núi của tỉnh Thừa Thiên Huế.

 

Năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng Đề án tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp giai đoạn 2016 – 2020. Thực hiện Đề án này, những năm qua, các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới đã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương.

Một mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp - Ảnh: VOV.

Ông Nguyễn Văn Phụng ở thôn 10, xã Hương Xuân, huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế mạnh dạn đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng nhà trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao trên diện tích đất hơn 1000 mét vuông.

Ông Nguyễn Văn Phụng trong nhà kính trồng rau của gia đình - Ảnh: VOV.

Mô hình nhà kính được ông Phụng thiết kế, xây dựng bài bản, xung quanh bao bọc bằng lưới chống côn trùng, bên trong có hệ thống thông gió, điện chiếu sáng, phun tưới tự động…Ngoài ra, gia đình ông còn sắm sửa máy cày, máy phát điện để phục vụ sản xuất.

Hiện tại, gia đình ông Phụng đã thu hoạch vụ rau đầu tiên thu về 35 triệu đồng chỉ trong 1 tháng. Với quy mô sản xuất mỗi năm hơn 10 vụ rau và hoa, gia đình ông có thể thu về từ 450 đến 500 triệu đồng.

Mô hình trồng hoa trong nhà kính mang lại hiệu quả cao - Ảnh: VOV.

Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết: đầu tư vào nhà màng này rất hiệu quả. Thứ nhất là các loại rau, hoa khi trồng không bị sâu bệnh, thứ hai là tất cả các mầm mống sâu bệnh thì mình đã loại trừ hết, thứ ba là rất chủ động về thời tiết, mưa nắng rau đều phát triển tốt, rất đẹp.

Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng rau, hoa ứng dụng công nghệ cao của gia đình ông Nguyễn Văn Tân ở huyện Nam Đông được đánh giá là mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.

Những năm trước đây, gia đình ông trồng rau, hoa ngoài trời, mùa mưa lạnh, cây không thể phát triển, thường xuyên thất thu. Đầu năm nay, từ nguồn vốn của chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Tân đầu tư 1 tỷ 500 triệu đồng xây dựng nhà kính trồng rau, hoa trên diện tích 1.100 mét vuông.

Trồng rau, hoa trong nhà, kính ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất khắc phục được điều kiện khí hậu thời tiết thất thường ở khu vực miền núi Thừa Thiên Huế, sản phẩm rau đạt chất lượng, an toàn với người sử dụng.

Trồng, rau hoa trong nhà kính đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm - Ảnh: VOV.

Trước cơn bão số 9, gia đình ông hoàn thiện nhà kinh và trồng được một lứa rau cải, rau phát triển tốt, bán lứa đầu tiên được 70 ngàn/kg, thời vụ trúng thời điểm bão xảy ra và sau đó quay lại trồng lứa thứ hai.

Để phục vụ thời điểm Tết Nguyên đán, gia đình ông đầu tư trồng hoa ly và hoa cúc, cúc trồng được 15 ngàn cây, hoa ly đã mua giống hơn 12 triệu đồng. Với khí hậu như hiện nay thì gia đình ông hoàn toàn yên tâm vì đã đu tư xây dựng nhà kính rồi.

Trồng hoa nhà kính chống chọi được thời tiết bất thường ở miền núi Thừa Thiên Huế - Ảnh: VOV.

Từ nguồn vốn hỗ trợ của Đề án tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, 5 năm qua, huyện Nam Đông đã xây dựng 10 mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mỗi mô hình được đầu tư từ 1 đến 2 tỷ đồng, trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 500 triệu đồng.

Cùng với đầu tư nhà kính, hộ nông dân đầu tư máy móc cơ giới - Ảnh: VOV.

Các mô hình đã phát huy hiệu quả, giúp người dân miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi tư duy trong sản xuất, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.

Ông Lê Thanh Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Đông cho biết, Trong thời gian tới, huyện sẽ thực hiện tốt chính sách của tỉnh, đảm bảo duy trì mô hình đã làm trước sao cho có hiệu quả thật sự. Từ đó, nhân rộng mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện. Qua đó, góp phần vào việc xoá đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho bà con trên địa bàn huyện Nam Đông.

Giai đoạn 2016 – 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đầu tư hơn 20 tỷ đồng, hỗ trợ các địa phương xây dựng 50 dự án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Riêng tại 2 huyện miền núi Nam Đông và A Lưới, đã có hàng chục mô hình chăn nuôi heo, bò, trồng rau, hoa, dưa lưới trong nhà kính được triển khai hiệu quả, trong đó, nhiều mô hình thu nhập mỗi năm 500 đến gần 2 tỷ đồng

Hai năm trở lại đây đồng bào tham gia đầu tư theo Chính sách 32 ứng dụng công nghệ cao và sản xuất nông nghiệp nhiều hơn. Đối với các dự án đã được đầu tư đến nay tất cả đều được duy trì và hoạt động tốt.

Nhà kính được đầu tư bài bản - Ảnh: VOV.

Thời gian tới, HĐND tỉnh sẽ xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021- 2025. Thực hiện sản xuất nông nghiệp ứng dụng cộng nghệ cao này thì sẽ đáp ứng được các yêu cầu sản xuất chất lượng, nâng cao giá trị, gia tăng trong sản xuất nông nghiệp.

Từ nay đến năm 2025, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân, các HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư hình thành vùng sản xuất lúa, rau hữu cơ quy mô lớn, liên kết bao tiêu và chế biến sản phẩm chất lượng cao.

Tỉnh cũng tập trung xây dựng các dự án phát triển chăn nuôi theo quy mô trang trại, gia trại ứng dụng công nghệ cao, hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao thu nhập cho người nông dân./.

         

Kim Thu-Hôih Nhàn- VOV miền Trung

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC