Thu nhập hoàn toàn chỉ dựa vào quế, nhưng hàng chục năm nay, tất cả chi tiêu lớn nhỏ trong gia đình bà Phạm Thị Tịch, ở bản Đa Vắc, xã Xuân Hòa, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, đều được giải quyết trơn tru. Sau khi dựng vợ gả chồng, phân chia tài sản cho các con, bà Tịch giữ lại hơn 2 hecta quế. Quế năm nay đã được 7 tuổi, tiền cắt tỉa cành lá hàng năm đủ cho chi phí sinh hoạt. Khoảng 5 năm nữa, khi quế đến tuổi trưởng thành, bán đi, được một khoản đáng kể để dưỡng già.
Bà Tịch chia sẻ: “Mỗi năm, nhà tôi con ăn học thế này, cần 100 thì tỉa 100, cần 50 thì tỉa 50, mà lúc nào cũng chỉ có cây quế thôi chứ chẳng có gì thu khác. So với các cây khác thì không có cây gì bằng ở đất này, được giá, thu đều đều mà không phải mang đi đâu, cứ để ở nhà họ khắc đến họ bốc đi”.
Nhiều nông dân Bảo Yên thu được tiền tỷ nhờ cây quế
Ở 31 thôn của xã Xuân Hòa, chẳng có nhà nào là không trồng quế. Khắp các xã khác của huyện như Điện Quan, Thượng Hà, Tân Dương, Vĩnh Yên, đâu đâu cũng chỉ toàn thấy quế. Bà con thu hoạch được từ cành, lá, thân, vỏ, không bỏ thứ gì, cứ để tại vườn là có đại lý đến tận nơi thu mua cho các nhà máy tinh dầu, nhà máy ván gỗ.
Riêng Nhà máy sản xuất tinh dầu quế thuộc Công ty TNHH chế biến lâm sản, nông sản Sơn Hải đặt tại bản Mỏ Đá, xã Tân Dương, đã thu gom toàn bộ cành, lá quế của bà con trong toàn huyện cắt tỉa, thậm chí tận thu tối đa vẫn chưa vận hành hết công suất. Mỗi năm nhà máy này cho ra khoảng 25 - 27 tấn tinh dầu quế, doanh thu gần 30 tỷ đồng.
Ông Phạm Bá Tuệ, quản đốc nhà máy cho biết: “Nhà máy đi vào sản xuất từ năm 2014. Nhà máy tập trung thu mua cành lá quế cho dân với giá cao nhất để dân có nguồn thu, khích lệ người dân sản xuất. Nhà máy sản xuất thì vẫn còn khó khăn nhưng được cái sản xuất đến đâu tiêu thụ hết đến đấy”.
Với mức giá hiện tại, trung bình mỗi hecta quế có tuổi đời từ 10 – 15 năm sẽ cho thu khoảng 600 – 800 triệu đồng. Trồng quế không vất vả như trồng các cây khác và từ năm thứ 4 trở đi đã bắt đầu cho thu hoạch từ việc cắt, tỉa lá cành. Ở Bảo Yên, có những vùng nhà nhà trồng quế, người người trồng quế. Những nông dân sở hữu tiền tỷ sau khi bán quế không hiếm gặp.
Theo ông Hoàng Quang Đạt, Chủ tịch UBND huyện Bảo Yên, toàn huyện hiện có khoảng 15 nghìn hecta quế, theo quy hoạch đến hết năm 2020 diện tích này sẽ tăng lên thành 20 nghìn hecta. Với mức giá ổn định như hiện tại thì tới năm 2025, 20 nghìn hecta quế sẽ mang về khoảng 800 – 1.000 tỷ đồng/năm.
Bảo Yên xác định cây quế có thể là chỗ dựa an toàn cho bà con nông dân trong vòng 20 - 30 năm tới. Trước mắt, huyện đang kêu gọi thêm một số nhà đầu tư chế biến sâu các sản phẩm từ quế, đồng thời tạo điều kiện tối đa cho bà con trồng và phát triển giống cây này.
“Chúng tôi đề nghị tỉnh hỗ trợ trồng quế với mức 5 triệu đồng/hecta. Đặc biệt, chúng tôi huy động đội ngũ kiểm lâm phối hợp với phòng nông nghiệp hướng dẫn nhân dân kỹ thuật trồng quế. Với những gia đình có đất nhưng không có khả năng trồng thì chúng tôi huy động lực lượng tới hỗ trợ trồng quế. Chúng tôi tham vọng đưa Bảo Yên thành vùng quế trọng điểm của Lào Cai, tương đương với Văn Yên (Yên Bái)” - theo ông Đạt.
Bảo Yên xưa nay vốn là đất trồng rừng, nhưng trước kia kinh tế rừng không hiệu quả thì nay quế đã chứng minh không chỉ là thứ cây góp phần phủ xanh đất trống, mà còn đưa ước mơ thoát đói thoát nghèo, làm giàu của hàng nghìn nông dân trở thành hiện thực.
An Kiên/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận