Xuân ấm “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”
Thứ năm, 00:00, 22/02/2018
VOV4.VN - Lũng Pô – địa danh nổi tiếng gắn với nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt có một bản người Mông, với những con người cần cù, ngày ngày bám biên, giữ đất, góp phần xây dựng cho mảnh đất quê hương thêm trù phú.

 

Những ngày cuối năm, đến thôn Lũng Pô 2, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, từ đầu thôn đã đông vui, nhà nhà tất bật quanh các điểm tập kết chuối, xẻ từng buồng đóng túi, bỏ hộp, chất đầy ắp những thùng xe chờ xuất khẩu qua bên kia biên giới. Đây là lứa chuối cuối cùng của năm được xuất đi trước khi những người Mông ở thôn này đón Tết.

Bà con người Mông ở thôn Lũng Pô 2 thoát nghèo nhờ cây chuối

Ông Ma Seo Páo vừa nhẩm đếm số tiền bán chuối, vừa mỉm cười với vẻ hài lòng, bởi tính ra trong năm nay, 5 nghìn gốc chuối của gia đình đã cho số thu ngót nghét 200 triệu đồng. Ông khoe, ông không phải dân gốc ở đây, quê ở tít trên Dìn Chin của huyện Mường Khương, quanh năm khô hạn. Cả thôn này cũng đều người ở đấy, cuối năm 2006 di cư về đây khai khẩn đất mới, ban đầu cũng chẳng biết làm gì ngoài trồng ngô với sắn. Từ  năm 2010 biết đến trồng chuối thì cuộc sống mới thực sự đổi thay.

Ông Páo bảo: “Bây giờ cả thôn này nhà nào cũng đỡ rồi, không khó khăn như ngày xưa. Bà con chủ yếu trồng chuối, thu nhập cao hơn. Trồng cây khác 1 hecta thì chỉ được khoảng chục triệu, nhưng trồng chuối được cả trăm triệu, đủ nuôi con, nuôi gia đình, xóa được đói, giảm được nghèo”.

Bà con người Mông ở thôn Lũng Pô 2 thoát nghèo nhờ cây chuối

Thôn Lũng Pô 2 có 34 hộ người Mông, nhà nhà đều trồng chuối, tổng diện tích trên 40 hecta. Cách đây chục năm, khi mới tới định cư thì hộ nào cũng nghèo, dựng xong cái nhà chỉ còn mỗi hai bàn tay. Bây giờ tất cả đều khấm khá, cả thôn gần chục hộ có nhà xây, có nhà sắm cả xe tải để vận chuyển chuối đi bán cho thuận tiện.

Nghĩ về ngày xưa, Bí thư Chi bộ thôn – ông Ma Seo Lằng, tâm sự: “Ngày đấy chỉ nghĩ là vào nơi mới thì mình sẽ cố gắng để làm sao đời sống khá hơn thôi chứ không nghĩ sẽ được như ngày hôm nay. Nhưng quả thật ngày xưa khi mới chuyển về đây rất là khổ, nước không có, điện không có, trời thì nắng nóng, các con vào đây rất khổ, gia đình cũng khổ, cái gì cũng không có. Bây giờ cuộc sống khá hơn, nhiều bà con còn tuyên bố rằng bây giờ có cho về quê cũng không về”.

Có được thành quả như ngày hôm nay, ông Ma Seo Lằng tự tin khẳng định trước hết phải nhờ tinh thần đoàn kết một lòng của tất cả các hộ dân trong thôn, từ lúc dắt díu nhau đi vỡ đất dựng nhà, làm nương đến lúc sát cánh thoát khó thoát nghèo. Và một yếu tố nữa không thể thiếu là có sự chung tay, góp sức của những người lính biên phòng ngay từ những ngày đầu tiên, giúp cả thôn bản bình yên, an cư bền vững nơi biên giới.

Đại úy Nguyễn Văn Thắng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng A Mú Sung, cho biết: “Thôn Lũng Pô 2 là một trong những thôn về đích nông thôn mới của xã, cả thôn không còn hộ nghèo, phát triển kinh tế rất tốt. Thôn cũng được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng A Mú Sung trực tiếp xuống tuyên truyền vận động, hướng dẫn trồng chuối, phát triển kinh tế, từ đó đời sống bà con nhân dân phát triển rõ rệt, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới được giữ vững”.

Đứng tại cột mốc 92 ở ngã ba nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt, trông ra khúc giao với con suối Lũng Pô chia đôi làn nước bên đục bên trong, xa xa thấp thoáng bản người Mông trù phú, bao quanh bởi những rặng chuối thân chắc nịch, quả trĩu buồng.

 

 

 

An Kiên/VOV-Tây Bắc

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC