Cách đây 5 năm, anh Grông ở làng O Đất, xã Ia Băng, Đăk Đoa, Gia Lai tái canh giống cà phê TR9 và liên kết sản xuất cà phê tiêu chuẩn 4C cho một doanh nghiệp ở tỉnh. Nhờ thay đổi quy trình chăm sóc, vườn cà phê của anh cho sản lượng lên 7 tấn nhân. Theo giá năm nay, anh thu về lợi nhuận khoảng 130 triệu đồng.
Một vườn cà phê 4C ở xã Hàm Rồng, thành phố Pleiku
Cùng tổ liên kết với anh Grông, anh Hjan (SN 1985, ở làng O Đất) cũng vui mừng vì cà phê năm nay được mùa, được giá. Liên kết sản xuất cà phê tiêu chuẩn 4C với doanh nghiệp, mỗi 1 kg, được mua giá 41.500 đồng.
Anh Hjan chia sẻ: Làm cà phê 4C có nhiều cái lợi: lợi về giá cả, giảm chi phí phân bón, giảm phun thuốc bảo vệ thực vật, không dùng thuốc trừ cỏ. Vườn nhà tôi ở gần nhà, nên tôi thấy như vậy sẽ yên tâm hơn về sức khoẻ. Hiện nay, tôi cũng có thể tự ủ phân để bón cà phê. Năm nay, lợi nhuận tốt, tôi tính năm mới sẽ mua thêm máy xát cà phê để tự xát ở nhà.
Ảnh minh họa
Hiện nay, tại Gia Lai có gần 97.000 ha cà phê, trong đó có 34.000 ha đã được sản xuất theo chất lượng ISO 9001, VietGAP, GlobalGAP, Organic, 4C, UTZ…đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Ảnh minh họa
Bà Nguyễn Thị Phương Mai- Phó Giám đốc Sở khoa học Công nghệ Tỉnh Gia Lai cho biết: Trong thời gian tới, Sở Khoa học và Công nghệ tăng cường phối hợp với các sở, ngành nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cà phê đăng ký chứng chỉ, tiếp cận thị trường, phát triển thương hiệu, mở rộng quy mô liên kết…; Hỗ trợ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại để đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm cà phê chất lượng cao. Chúng tôi sẽ ưu tiên nguồn vốn cho các doanh nghiệp đầu tư máy móc thiết bị chế biến, hỗ trợ lãi suất đối với vốn vay cho những doanh nghiệp đầu tư nhằm đổi mới trang thiết bị công nghệ”./.
Nguyễn Thảo/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận