Đắk Lắk: Sống khổ bên lò sấy nông sản gây ô nhiễm
Thứ ba, 14:33, 14/12/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Tại tỉnh Đắk Lắk, khi cà phê vào vụ thu hoạch, các lò sấy hoạt động hết công suất khiến cuộc sống nhiều hộ dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm khói, bụi và tiếng ồn.

 

Cứ mỗi lần bước vào vụ thu hoạch cà phê, cuộc sống của gia đình ông Trần Trọng Minh, ở xã Hoà Khánh, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk và nhiều hộ xung quanh lại bị đảo lộn khi lò sấy cà phê gần nhà liên tục hoạt động gây khói bụi và tiếng ồn.

Ông Minh cho biết, cả một tháng nay, lò chạy liên tục 24/24, chạy suốt đêm rất ồn ào. Lò hoạt động khoảng 8 năm nay. Mỗi lần hoạt động đều thải ra lượng khói rất lớn, lan tràn vào khu vực dân cư. Bà con đã có nhiều phản ánh, kiến nghị với cơ quan chức năng nhưng vẫn chưa được giải quyết, xử lý.


Khói bụi và tiếng ồn từ lò sấy cà phê ảnh hưởng đến cuộc sống người dân

Cũng trong phạm vi ảnh hưởng của lò sấy cà phê trong khu dân cư, anh Trần Văn Thương, ở tổ dân phố Toàn Thắng, thị trấn Ea Pôk, huyện Cư M’gar, cho biết: Việc đồng thời bị ô nhiễm khói, bụi, tiếng ồn đã khiến cả nhà ăn không ngon ngủ không yên; trẻ nhỏ thường xuyên ho, khóc.

Anh Trần Văn Thương cho biết: Công ty Hồng Tự sản xuất cà phê xả khói ra môi trường ảnh hưởng lớn đến người dân. Ban đêm trẻ con, người lớn luôn khó ngủ vì bị ngộp thở. Năm ngoái, chúng tôi đã làm đơn nhờ chính quyền giải quyết, chính quyền cũng đến đình chỉ nhưng sau một thời gian, bây giờ công ty tiếp tục hoạt động trở lại.

Đắk Lắk có diện tích cà phê lớn nhất cả nước, số lò sấy hoạt động mỗi mùa thu hái lên tới hàng ngàn. Ở huyện Cư Mgar, một trong những trọng điểm cà phê của tỉnh, số liệu thống kê chưa đầy đủ, đã là 130 lò, đều đặt tại các khu dân cư.

Các lò sấy ở đây thường hoạt động trong suốt 2 tháng, cùng với giai đoạn thu hoạch cà phê. Qua kiểm tra thực trạng, các chủ lò sấy vẫn chưa đầu tư đúng mức để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Công nhân đưa cà phê vào lò sấy

Ông Nguyễn Công Văn, Phó Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar, cho biết: Huyện chưa quy hoạch được khu sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp để làm cơ sở sấy ở những khu vực đó theo đúng quy định của luật. Tuy nhiên trong quá trình tuyên truyền, vận động, yêu cầu cam kết thì trên 90% hộ gia đình đã thay đổi thói quen. Có nghĩa là trước đây họ sấy toàn bộ bằng trấu, vỏ cà để giảm giá thành, còn bây giờ chuyển sang củi công nghiệp, rồi cải tạo hệ thống thoát khói. Nhưng chưa phải tất cả các hộ đều thực hiện.

Hiện cà phê Đắk Lắk đang bước vào thời điểm chín rộ, cũng là lúc các lò sấy hoạt động hết công suất. Người dân địa phương đang mong chờ các ngành chức năng ở tỉnh đẩy mạnh kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các lò sấy gây ô nhiêm khói bụi và tiếng ồn, sớm có quy định phù hợp để giải quyết dứt điểm nạn ô nhiễm từ các lò này.

 

Tuấn Anh/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC