Hiệu quả từ quản lý rừng cộng đồng ở Đăk Glei
Thứ sáu, 00:00, 13/10/2017
VOV4.VN - Đăk Glei là một trong những huyện còn nhiều rừng nhất Kon Tum và Tây Nguyên. Đây cũng là vùng rừng đầu nguồn rất quan trọng trong hệ thống sông Sê San. Việc giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư làm chủ ở Đăk Glei đang cho thấy sự hiệu quả khi gắn với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.

 

Cứ sáng thứ 5 hàng tuần, các tổ bảo vệ của làng Đăk Wất, xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei, lại đi tuần tra trong khu vực rừng cộng đồng của làng. Anh A Tùng, Trưởng làng Đăk Wất, cho biết, rừng cộng đồng của bà con rộng 170 ha, được 4 tổ luân phiên tuần tra bảo vệ, nên các hành vi xâm hại rừng đều được ngăn chặn kịp thời.

Anh Tùng cho biết: “Mình so sánh, trước chưa giao cho cộng đồng thì bà con vẫn đi phát rẫy hoặc khai thác lâm sản phụ, khai thác gỗ. Khi mà giao cho cộng đồng thì cộng đồng đã quản lý chặt chẽ. Bà con không có ai dám vào xâm hại. Trong làng thì vẫn lập kế hoạch một tuần đi một lần, có khi một tuần hai lần, đi theo từng tổ. Nếu không có chuyện gì thì phân theo lịch như thế, còn nếu mà nghe người ta xẻ gỗ, nghe máy thì tổ tuần tra đi ngoài lịch phân. Thôn đây đã có 1 vụ, 12h đêm đi bắt vụ khai thác gỗ”.

Người dân Kon Tum đi tuần tra rừng

Bà con làng Đăk Wất được làm chủ rừng thực sự từ cuối năm 2015, khi tỉnh Kon Tum triển khai chương trình giao đất, giao rừng cho cộng đồng. Ban đầu, diện tích tỉnh giao cho bà con là 155ha, nhưng do bảo vệ hiệu quả, bà con được các hộ dân có đất nương rẫy sát với rừng tín nhiệm, giao thêm 16 ha để khoanh nuôi, phát triển rừng.

Anh A Tia, một trong số những người có đất rẫy giao lại cho làng phát triển rừng, cho biết: “Hồi trước tôi cũng có rẫy trên đó. Từ khi thôn họp, nói rừng đây thuộc về đầu nguồn nguồn nước của thôn, thì tôi đồng ý bởi vì chung của cộng đồng, thứ hai là môi trường. Gia đình tôi gồm mẹ tôi, anh trai tôi và tôi có 2ha đất rẫy, nghe thôn họp tuyên truyền về công tác rừng cộng đồng nên đồng ý, tự nguyện giao lại cho thôn quản lý, để sau này hưởng lợi về rừng”.

Ở huyện Đăk Glei, rừng giao cho cộng đồng được quản lý khá chặt chẽ và hiệu quả. Đây cũng là huyện có số cộng đồng làm chủ rừng nhiều nhất Tây Nguyên, với 18 thôn, làng được cấp “bìa đỏ” cho diện tích rừng cộng đồng. Gắn với giao đất, giao rừng, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã giúp bà con ở các cộng đồng nhận thức rõ tầm quan trọng của rừng đối với bảo vệ nguồn nước, môi trường sinh thái.

Ông A Nhác, trưởng làng Đông Nay, xã Đăk Man, cho biết, nhờ có rừng giữ được nguồn nước, cả làng ông không nhà nào cần đến giếng. Tất cả bà con đều dùng nước suối dẫn từ rừng cộng đồng về làng, dùng quanh năm suốt tháng không hết. tình trạng một số đối tượng lạ mặt khống chế, đe dọa các hộ buôn bán để thu mua cà phê với giá rẻiệc bảo vệ rừng cũng giúp bà con hàng năm nhận được tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Khoản tiền này bước đầu đáp ứng một phần nhu cầu cuộc sống của bà con.

Đối với chính quyền địa phương, nhất là cấp xã, khó khăn trong công tác bảo vệ rừng đã được chia sẻ khi có sự tham gia tích cực của người dân. Ông A Quang, Phó chủ tịch UBND xã Đăk Man, cho biết, những năm qua, 340ha rừng cộng đồng ở xã luôn được bảo vệ tốt, tiền dịch vụ môi trường rừng cũng đã phần nào đáp ứng cuộc sống người dân. Về lâu dài, nhà nước cần xem xét nâng mức hưởng lợi từ rừng cho bà con các làng, để đáp ứng tốt hơn nhu cầu cuộc sống của bà con cũng như nâng cao hơn nữa trách nhiệm bảo vệ rừng.

"Từ năm 2016 1 ha là được 400 nghìn. Chính quyền địa phương đề xuất nhà nước hỗ trợ thêm, 1ha từ 600-700 nghìn, làm sao để cuộc sống bà con ổn định hơn, có trách nhiệm bảo vệ rừng tốt hơn” - theo ông Quang.

Thực tế cho thấy, chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng tại huyện Đăk Glei đang tạo ra hiệu quả kép, đó là rừng được bảo vệ, phát triển và bà con ở các cộng đồng dân cư có nguồn kinh phí đáng kể để cải thiện sinh kế.

 

 

 

Công Bắc/VOV-Tây Nguyên

 

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC