Tàn sát “báu vật” cuối cùng của rừng già Tây Nguyên
Thứ tư, 00:00, 17/04/2019 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Những cây gỗ giáng hương thuộc nhóm 1 gỗ quý hiếm cổ thụ được xem là “báu vật” cuối cùng của rừng già Tây Nguyên. Mặc dù vậy, những cây hương còn lại chủ yếu tại huyện Kbang, tỉnh Gia Lai lại đang bị tàn sát và đứng trước nguy cơ tận diệt.

 

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi men theo con đường mòn dưới những tán rừng thuộc Tiểu khu 82, lâm phần Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. Đây là khu vực rừng còn nhiều cây giáng hương cổ thụ.

Sau khoảng 3 giờ băng rừng, lội sông suối, chúng tôi bắt đầu tiếp cận những cây giáng hương đã bị cưa hạ, xẻ gỗ. Có những cây đường kính gốc đến vài mét mới bị khai thác, mùn cưa còn mới tinh. Có cây sau khi cưa hạ, lâm tặc mới chỉ lấy được phần gốc, phần giữa thân trở lên vẫn để lại hiện trường.

Ngay bên cạnh một cây gỗ hương đường kính gốc hơn 2m mới bị cưa hạ, chúng tôi có cuộc trao đổi với một người dân địa phương dẫn đường:

          Cây này Lâm tặc xin mấy ông bảo vệ rừng hay sao?

          -Xin sếp ấy chứ, mấy ông bảo vệ rừng nhỏ nhỏ sao mà dám cho.

          Mấy ông lãnh đạo của công ty chứ gì?

          -Dạ! Ở trong đây, làm rừng đây thì có móc nối. Sếp cho làm thì mới được làm, còn không cho làm thì đâu ai dám làm.

          Vận chuyển thì bằng cách nào, đi đường nào để đưa gỗ ra ngoài kia?

          -Nhiều đường lắm. Đi đường rừng, đi mấy đường mòn, cũng có thể đi đường lúc mình đi vào cũng có thể đi ra được.

          Nhưng phải qua các trạm kiểm soát chứ?

          -Qua chốt  trạm thì tùy theo khu vực của mỗi người làm.        

Càng đi sâu vào lâm phần Tiểu khu 82 do Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa quản lý, số lượng cây giáng hương bị khai thác càng nhiều. Tại đây, nếu tính cả cũ và mới,có đến hàng chục cây giáng hương cổ thụ đã bị khai thác, có cây bị đào cả gốc, bứng cả rễ.

Theo ông Võ Ngộ, Giám đốc Cty TNHH MTV lâm nghiệp Krông Pa, thống kê 2015, trên lâm phần của công ty có hơn 400 cây giáng hương cổ thụ. Đến cuối năm 2018, số lượng những cây được xếp vào hàng báu vật rừng già này chỉ còn chưa đầy 300 cây và đang giảm nhanh vào những tháng đầu năm 2019 khi tình hình khai thác gỗ giáng hương trở nên nóng bỏng. Trước ý kiến cho rằng có tiêu cực, móc nối từ lực lượng bảo vệ rừng thuộc công ty giúp cho lâm tặc khai thác gỗ.

Ông Võ Văn Phán, Chủ tịch UBND huyện Kbang, tỉnh Gia Lai cho biết, trong những năm 2016-2018 việc khai thác trái phép cây giáng hương cổ thụ trên địa bàn được kiểm soát tương đối tốt, số lượng cây bị triệt hạ ở mức hạn chế.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, tình hình khai thác trở nên nóng bỏng và huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng quyết liệt vào cuộc. Qua đó, đã phát hiện và bắt giữ được một số đối tượng có liên quan. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo để điều tra, làm rõ và triệt phá các tổ chức, đường đây nếu có liên quan đến việc khai thác những cây gỗ giáng hương quý hiếm.

(Ảnh minh họa )

Ông Phán cho biết: Huyện đã trực tiếp đi vào rừng và đã giao cho công an, huyện đội, kiểm lâm cùng với xã kiểm tra trực tiếp hiện trường. Vừa rồi, huyện đã bắt được một tên và đang điều tra để làm rõ nhóm tội phạm nó bắt nguồn từ đâu và đầu nậu chính ở đâu. Quan điểm của huyện là làm triệt để, làm bằng được.

Rừng Kbang là nơi duy nhất ở Gia Lai còn những quần thể cây giáng hương cổ thụ với đường kính vài mét còn sót lại. Trong khi đó, hiện nay, giá trị của gỗ giáng hương đang rất cao, với trên 100 triệu đồng mỗi mét khối, lâm tặc đang tìm mọi cách để khai thác những cây gỗ quý mà trị giá mỗi cây có thể đến vài tỷ đồng. Nếu không có những giải pháp quyết liệt, chẳng bao lâu chúng sẽ bị tận diệt, những “báu vật” cuối cùng của rừng già Tây Nguyên sẽ biến mất./.

Công Bắc/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC