Tiếng chiếc máy đo nhịp tim, huyết áp cho chị Giàng Thị Chử trong khoa cấp cứu, gây mê hồi sức bệnh viện Bạch Mai cứ rít lên từng hồi. Ngồi bên ngoài phòng chờ là người mẹ già và thằng con trai thứ hai của Chử. Cả hai bà cháu gầy gò, đen nhẻm, thẫn thờ.
Mấy ngày nay, bà cứ bó gối ngồi bên gốc cây ở bệnh viện, đầu óc trống rỗng, không thiết gì ăn uống, và cũng không còn nước mắt để mà khóc nữa. Sao đứa con gái ngoan hiền, tần tảo của bà lại ra nông nỗi này? Sao ông trời lại không thương con bà. Giá như bà được thay con chịu nỗi đau kia
Con cháu không đứa nào muốn cho bà xuống Hà Nội, vì bà chỉ biết vài câu tiếng Kinh, đường xá thì lạ lẫm, chẳng giống bản Đồng Hẻo quê bà. Thế nhưng bà vẫn quyết đi bằng được. Bà muốn được nắm lấy bàn tay con trong giờ phút sinh tử, cầu xin trời đất thương tình, thử thách con bà chừng ấy thôi, để nó còn được về với chồng con, với gia đình.
Chị Giàng Thị Chử tại khoa cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: VP
Mong muốn của người mẹ già là vậy, nhưng bác sỹ Ngô Văn Hào, Phó trưởng Khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện Bạch Mai, người trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Giàng Thị Chử lại có những tiên lượng không mấy khả quan.
Bác sỹ Hào cho biết chị Chử bị tiền sản giật, u vỏ thượng thận, tăng huyết áp và rối loạn điện giải rất nặng, kali trong máu chỉ hơn 1,7 nên nguy cơ có thể ngừng tim bất cứ lúc nào. Bệnh nhân lại có thai 23 tuần, thế nên tình trạng rất nặng. Sau khi mổ được 4 ngày thì thai chết lưu, tình trạng nhiễm trùng nặng lên, sốt rất cao.
Với tình trạng nhiễm trùng như hiện tại thì thuốc trong danh mục bảo hiểm không có, gia đình chị Chử phải tự mua những loại kháng sinh đặc biệt để điều trị. Thế nhưng, chứng kiến hoàn cảnh gia đình chị Chử mấy ngày ở viện, bác sỹ Hào thấy đây là thử thách oan nghiệt với một gia đình người dân tộc Mông khi mà cuộc sống sinh hoạt hàng ngày còn khó khăn.
Người mẹ già và đứa con thứ hai của Giàng Thị Chử. Ảnh: VP
Mùa A De, năm nay 18 tuổi, là con thứ hai của chị Chử, thấy bác sĩ bảo mất nhiều tiền mua thuốc cho mẹ, cứ đứng như chôn chân, chẳng biết phải làm gì. De biết là có bán hết nhà cửa ruộng đất đang ở đi thì cũng chỉ lo được một phần số tiền cần phải có để cứu mẹ.
Hàng ngày, De cùng bố và anh đi làm thuê, nhà còn có cái mà ăn. Chứ từ hôm xuống đây với mẹ, trong túi De không lúc nào có nổi 1 triệu đồng. Bố với anh ở nhà đi làm, cũng bập bõm vì ít người thuê. Gia đình đang tính bán căn nhà đang ở để lo toan cho chị Chử, trước đó, con trâu duy nhất cũng đem bán để lo tiền xuống viện.
Hai bà cháu De ngóng về phía giường bệnh của chị Chử, rồi bà bảo cháu cứ nhắm mắt lại mà cầu xin trời phật rủ lòng thương.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận