50 - 60 đứa trẻ sống trong căn phòng rộng 50m2
Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Lao Chải nằm ở đầu bản Tà Ghênh. Khu nhà nội trú của học sinh nam rộn tiếng cười đùa. Lũ trẻ quây quần từng nhóm. Lố nhố đứa đứng, đứa ngồi tán chuyện.
Căn phòng rộng chừng 50m2, thưng và lợp bằng tôn tán mỏng. Không cửa sổ, tối bưng. La liệt quần áo phơi, vắt trên dây chăng cao. Duy nhất ở chỗ cánh cửa ra vào có ánh sáng. 25 chiếc giường tầng kê sát nhau. Đây vừa là chỗ ngủ, chỗ chơi, vừa là chỗ học của hơn 50 đứa trẻ.
Chiếc giường 0,9m là chỗ nghỉ, chỗ chơi, chỗ học, chỗ để đồ của 3 - 4 đứa trẻ. A Chính (áo xanh) đang học bài cùng bạn trong phòng thiếu ánh sáng
Em Giàng A Chính, học sinh lớp 8A bẽn lẽn: “Nhà này dùng để ngủ, học tập, chơi và phơi quần áo. Mỗi một giường ở tầng trên và tầng dưới có 4 bạn ngủ chung với nhau. Mùa nắng nóng hay bị ốm. Nó nóng, toát hết mồ hôi ra. Mưa thì cái nhà cứ ẩm, dột, không học được. Mong muốn của em được một cái nhà để ăn sạch và ngon miệng hơn”.
"Nhà ăn" này của lũ trẻ đã bị sập sau trận mưa lũ
Cô giáo Dương Thị Liễu, Phó Hiệu trưởng nhà trường, cho hay, quy mô trước kia đầ tư xây dựng trường chỉ cho 200 em. Nay, số học sinh lên tới hơn 500 em. Các phòng ở cũng như các công trình phụ không đáp ứng đủ nhu cầu. Để có chỗ ở cho các em, các thầy cô giáo đã trích từ đồng tiền lương ít ỏi của mình mỗi người gần 400.000 đồng, cùng với phụ huynh học sinh dựng lên hai căn phòng nhỏ, cũng chỉ là nhà tạm đủ để che nắng, che mưa.
Ban công sau nhà ngổn ngang quần áo
Nhà ở của nữ sinh cũng chẳng khá hơn. Được ưu tiên ở khu nhà xây 2 tầng nhưng công trình cũng đang xuống cấp. Tường, trần nhà xây bị bong tróc từng mảng. Ngổn ngang là giường, là thùng nhôm đựng đồ, váy áo vắt kín trên những thanh sắt ban công sau nhà.
4 bóng điện mắc trên trần nhà, cái cháy, cái nhấp nháy, lom dom một thứ ánh sáng yếu ớt. Muốn di chuyển, người này phải ngồi lên giường nhường lối cho người kia đi. Toàn trường hiện có 8 phòng nội trú, mỗi phòng chỉ rộng khoảng 50m2. Thiếu chỗ ở, nhà trường đã phải chuyển đổi bếp ăn thành nơi ở cho học trò.
“Trước các em học sinh nữ ở có 3 phòng trên này thôi. Cứ 70 – 80 em/phòng, không đảm bảo cho sinh hoạt. Giường thì bé. Các em ở giường tầng 1 không đủ ánh sáng điện để các em ôn bài. Chuyển nhà ăn thành nhà ở, học sinh nữ được ở thêm hai phòng nhưng các em vẫn phải 2 – 3 em/giường. Học sinh ở đây đều là dân tộc Mông, 70% các cháu là hộ nghèo” - Cô giáo Liễu cho hay.
Ăn ngoài trời, tắm ngoài trời
Có chỗ ở lại thiếu chỗ ăn. Các thầy cô bèn dựng lán trước sân để học trò có chỗ ăn cơm, nghỉ ngơi giữa giờ. Chưa được bao lâu, mưa lũ kéo đến cuốn phăng cái lán tre ọp ẹp. Thành ra, lũ trẻ đành ăn cơm giữa trời. Sân trường, hành lang lớp học đâu cũng có thể làm chỗ ăn cơm.
Ở khu vệ sinh, một tốp học sinh nam đang hì hụi giặt quần áo. Không xô chậu, những chiếc áo được trải trên nền xi măng. Lũ trẻ cật lực lấy bàn chải chà mạnh, đem vò dưới vòi nước.
Cách đó không xa, nơi bể nước, các bé gái cúi người múc từng xô nước để gội đầu, tắm táp. Vì tắm ngoài trời nên em nào cũng mặc nguyên cả bộ quần áo. Giàng Thị Gống học trò lớp 7D tắm nước lạnh môi thâm tím. “Trong nhà vệ sinh không có nước đâu ạ. Không đủ cho tất cả mọi người nên chúng em tắm, giặt đều ở bể nước này” – Giống nói.
Cách lũ trẻ giặt quần áo
Tắm rửa ngoài trời bất kể mưa hay nắng, nóng hay lạnh
Bể nước này cũng là công trình của cả thầy và trò làm ra. Do lượng học sinh đông, nên lũ trẻ phải đến từng nhà dân xin tắm giặt nhờ. Thương học trò nhỏ, các thầy cô lại góp tiền, tự tay xây cho chúng bể nước, rồi chạy vạy khắp nơi, xin được 5.000m ống nhựa để bắc nước từ nguồn dẫn về. Dù không phải tắm nhờ nhà dân nữa nhưng vẫn không đủ nhà tắm cho 500 học trò cho nên các em vẫn phải tắm ngoài trời. Nước lạnh, gió lùa.
“Em mong muốn mình có một cái nhà vệ sinh thật rộng lớn để tắm ạ”. Nghe các em nói về mong ước của mình, cái mong ước nhỏ nhoi mà ứa nước mắt.
Mỗi người một chút, 500 em học sinh ở trường PTDTBT THCS Lao Chải, bản Tà Ghênh, xã Lao Chải, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, sẽ có một căn nhà đúng nghĩa.
Mọi sự trợ giúp, xin liên hệ với những người thực hiện chương trình ở số ĐT: 0243 8255 667.
Lâm Thanh/VOV4
Viết bình luận