Hãy giúp em Tòng Văn Trân nối dài ước mơ
Thứ năm, 00:00, 22/03/2018 Hoài Thu + 1 ảnh Hoài Thu + 1 ảnh
VOV4.VN - Vượt lên hoàn cảnh nghèo khó, Tòng Văn Trân nỗ lực thực hiện khát khao trở thành luật sư người Khơ Mú đầu tiên của bản Phiêng Phớ, xã Nong Lay, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ước mơ đó tưởng như sắp trở thành hiện thực thì tai ương ập xuống, khiến cho giấc mơ tuổi 20 của chàng sinh viên Cao đẳng Luật dang dở.

 

Tòng Văn Trân 4 lần phải nhập viện từ tháng 3/2017 đến nay. Một lần mổ ruột thừa, một lần mổ viêm dính ruột và hai lần điều trị căn bệnh tâm thần phân liệt. Để chữa bệnh cho con, bố mẹ Trân đi vay nặng lãi đến 30 triệu đồng. Trân đang được điều trị tại Viện sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai trong tình cảnh rất đáng thương: Tiền không còn, thuốc thang, ăn uống đều nhờ cả vào bệnh viện. Không biết gia đình em cầm cự được đến lúc nào trong khi nếu có điều kiện em vẫn còn cơ hội cứu chữa.

Tại phòng điều trị nội trú của Viện sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, Tòng Văn Trân mặc áo bệnh nhân, ngồi bó gối trên giường bệnh. Ánh mắt chăm chăm nhìn vào khoảng không tĩnh lặng, xa xăm như đang đau đáu một nỗi niềm. 

Ngồi bên giường bệnh, mẹ của Trân, chị Tòng thị Binh nhẹ nhàng lấy khăn lau những hạt mồ hôi lấm tấm trên trán con. Mỗi lần bác sỹ khám cho con là một lần chị thắc thỏm, nước mắt lăn dài trên gò má đen sạm vì lam lũ. Dù không hiểu bệnh tâm thần phân liệt là gì, nhưng nhìn đứa con trai khỏe mạnh, vạm vỡ, hiếu thảo ngày nào, giờ ngồi đó, thẫn thờ, vô định, trái tim người mẹ như quặn lại.

Chị nghẹn ngào: “Sợ cháu không khỏi bệnh thôi. Cháu thích đi học lắm. Gia đình rất khó khăn nhưng vẫn cố cho cháu đi học. Ở bản, các bạn chỉ học hết cấp hai là nghỉ học hết vì không có tiền. Con tôi thì cứ đòi đi học suốt”. 


Tòng Văn Trân và mẹ tại Khoa thần kinh, Bệnh viện Bạch Mai

Chị Binh thật thà kể: Mỗi năm anh chị làm nương thu được khoảng 5 tấn ngô và 6 tấn sắn,  đủ cho 4 miệng ăn, dành dụm được vài triệu đồng. Tuy căn nhà sàn đã quá cũ nát, không biết còn trụ được qua mấy mùa mưa nữa, nhưng anh chị vẫn quyết tâm ở vậy để dành số tiền kiếm được cho các con đi học. Nhưng, số tiền đó cũng chỉ đủ cho một đứa con đi học thôi nên con gái cả sinh năm 1996, học hết cấp 2 phải nghỉ ở nhà làm nương giúp bố mẹ.

Tòng Văn Trân học hết cấp 2 rồi cấp 3 và năm 2016 thi đỗ vào trường Cao đẳng Luật Sơn La. Trân trở thành chàng trai Khơ Mú đầu tiên của bản Phiêng Phớ học tới Cao đẳng Luật.

Nhưng chẳng ai ngờ, tháng 3 năm 2017, Trân bị đau ruột thừa cấp tính phải vào Bệnh viện đa khoa tỉnh Sơn La mổ cấp cứu. Đúng một tháng sau Trân lại phải phải mổ lần nữa vì bị dính ruột. Sau 2 lần mổ, sức khỏe dần ổn định thì bỗng nhiên cách đây 4 tháng, Trân có những biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt. Lúc nào cũng thẫn thờ, vô định. Chẳng thiết ăn, chẳng thiết nói và cả đêm không ngủ.

Từ khi con bị bệnh, bố mẹ Trân đã phải bán hết số ngô, sắn trồng được, bán thêm cả con trâu là tài sản đáng giá nhất được hơn 10 triệu, đưa con đi chữa bệnh. Nhưng, tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống, số tiền đó chẳng thấm vào đâu.

Thương con, anh chị đành liều đi vay nặng lãi. Từ hôm con trai đi viện, anh chị đã vay đến 30 triệu rồi, lãi 30% một tháng. Bây giờ, chị đưa con đi chữa bệnh còn chồng ở nhà làm nương để còn trả nợ. Nhà có con trâu là tài sản đáng giá duy nhất thì cũng đã bán đi rồi. Biết bố mẹ bán trâu, Trân buồn và tiếc lắm, cứ nói con đâu có bệnh gì nặng mà bố mẹ phải bán trâu.

 

Nhà của gia đình Tòng Văn Trân. Ảnh do Phòng công tác xã hội bệnh viện Bạch mai cung cấp

Dù không phải lo thuốc men vì đã có bảo hiểm y tế, nhưng số tiền mang theo, đi lại, ăn uống của hai mẹ con trong 1 tháng cũng đã gần hết. Hai mẹ con định xin bệnh viện về nhà. May mắn, Phòng công tác xã hội Bệnh viện Bạch Mai đã quan tâm và cung cấp suất ăn miễn phí. Hai mẹ con được ăn chung một suất cơm nên đã yên tâm ở lại điều trị. Thạc sỹ Đỗ thị Minh Nhâm, Phòng công tác xã hội - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Phòng đã gọi điện cho chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Nong Lay để xác nhận hoàn cảnh của bệnh nhân Trân. Gia đình bệnh nhân là hộ nghèo. Rất mong mọi người giúp đỡ em để em có cơ hội trở về với cuộc sống bình thường.

Khi tỉnh táo, Tòng Văn Trân bảo với mẹ em rất muốn đi học tiếp để lấy được bằng, có việc làm để bố mẹ đỡ vất vả. Nhưng, hành trình viết tiếp ước mơ còn dang dở của Trân lúc này gập gềnh như chính con đường về bản của Trân vậy. Trước mắt Trân sẽ là chuỗi ngày điều trị lâu dài. Nếu điều trị ngoại trú, mỗi tháng ít nhất phải có 1-1, 5 triệu đồng. Chưa kể còn số tiền nợ 30 triệu đồng với 900 ngàn đồng tiền lãi mỗi tháng chưa biết khi nào bố mẹ Trân mới trả hết.

 

 

Hoài Thu/VOV4

Hoài Thu + 1 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC