Trả lại cuộc sống cho cô gái khuyết hậu môn
Thứ năm, 00:00, 08/03/2018 Hoàng Minh Hoàng Minh
VOV4 - 23 năm qua là quãng thời gian đầy ám ảnh, hủy hoại gần như hoàn toàn tuổi thơ của Vi Thị Hơn. Tia hi vọng mong manh của Vi Thị Hơn có trở thành sự thật? Liệu em có được trở lại với cuộc sống như một cô gái bình thường, được lấy chồng, sinh con? Chúng tôi hi vọng quý vị và các bạn sẽ chung tay cùng Kết Nối 45 trả lời rằng Có!


Lần đầu tiên nhìn thấy Vi Thị Hơn, có lẽ không ai dám nghĩ rằng đây là một cô gái 23 tuổi bởi thể trạng em gày gò, nhỏ bé chỉ như một đứa trẻ 11-12 tuổi. Vì cảnh nghèo, Vi Thị Hơn phải cam chịu sống chung với những cơn đau âm ỉ dày vò mỗi ngày của cái bụng trướng căng. 

Bác sĩ Lê Nhật Huy - trung tâm phẫu thuật Đại trực tràng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, cho biết: "Bệnh nhân vào viện trong tình trạng suy kiệt, bụng trướng căng, có một khối phân lớn suốt từ phần hạ vị đến mũi ức. Vì nó to quá đè lên cơ hoành nên bệnh nhân không thở được. Do bệnh nhân không có hậu môn từ nhỏ. Từ bé đến giờ chỉ có dịch phân chui qua một cái khe thông giữa trực tràng đi qua cửa mình thôi. Còn toàn bộ phân cứ càng ngày co kết lại.  Cứ tưởng tượng 1 người 23 năm không có hậu môn, không hấp thu được mà chất độc trong suốt 23 năm ngấm gây ra tình trạng ngộ độc cơ thể. Một người 23 tuổi chỉ nặng khoảng 25, 26kg, rất suy kiệt".

Chị Thang Thị Mành, mẹ của Vi Thị Hơn, tâm sự: từ lần đầu tiên được bế đứa con đầu lòng trên tay, chị đã biết con mình không được toàn vẹn như những đứa trẻ khác, nhưng vì gia cảnh khốn khó nên không làm được gì hơn cho con. Hơn hai chục năm qua, nhìn con đau, lòng mẹ cũng như đứt ra từng khúc. Cũng có lần chị đưa con xuống bệnh viện huyện khám, các bác sĩ nói chỉ các bác sĩ ở Trung ương mới mổ được cho cháu, mà chi phí tốn kém lắm, phải chuẩn bị mấy chục triệu. Nghe đến đấy thôi, đầu óc chị Mành đã quay cuồng. Cả đời chị lam lũ, nơi xa nhất chị được đặt chân đến chính là bệnh viện huyện khi đó, giờ còn khoản tiền mấy chục triệu biết lấy đâu ra.

Mong trả lại cho con thân thể lành lặn, vợ chồng chị bươn chải, làm thuê làm mướn tối ngày. Ấy thế mà mấy đồng tiền bèo bọt đem chi tiêu ăn uống, việc ma chay hiếu hỉ trong xóm làng xong cũng chẳng còn bao nhiêu. Năm 2010, gặp trận bão lớn, căn nhà sàn liêu xiêu của gia đình chị bị gió giật đổ, bao nhiêu công sức tích góp tiền cho con cũng đổ theo. Bây giờ, em trai của Vi Thị Hơn đang học dở lớp 10 đã bỏ học để đi làm thuê, kiếm tiền chữa cho chị gái.

Tết Nguyên Đán vừa rồi, bụng Vi Thị Hơn căng cứng, rồi em khó thở liền mấy ngày. Đến lúc không đừng được nữa, chị Mành buộc phải vơ vét hết tài sản trong nhà, vay nóng làng xóm được 10 triệu cho con đi viện. Xuống đến Hà Nội, nộp ứng viện phí xong, mới ngày đầu tiên mẹ con đã không còn tiền ăn. May nhờ tấm lòng san sẻ của các chị em cùng phòng, người xắn cho muôi cơm, người cho miếng thịt, gắp rau, chị Mành và con mới trụ lại được đến hôm nay.

Bác sĩ Lê Nhật Huy kể, hôm tiếp nhận bệnh nhân Vi Thị Hơn, anh cũng phải lên tiếng trách móc chị Mành, vì sao để con như vậy 23 năm trời mới đưa xuống đây. Nhưng nghe chị Mành trải lòng thì chùng xuống.

Bác sĩ Lê Nhật Huy kiểm tra vết thương sau mổ cho Vi Thị Hơn. Ảnh: Hoàng Minh

Hiện, Vi Thị Hơn đã được phẫu thuật, đặt hậu môn nhân tạo. Nhưng để trả lại cho Hơn một cuộc sống bình thường như bao người khác cần ít nhất 3 lần phẫu thuật nữa. Điều đáng lo nhất là không biết gia đình Hơn có thể chăm sóc bồi bổ cho em được đến đâu. Rồi, những đợt mổ sau sẽ cần rất nhiều thiết bị công nghệ cao từ khâu xét nghiệm cho đến phẫu thuật. Dự tính cần từ 50-60 triệu đồng. Chị Mành nói, chỉ cần con khỏe mạnh, vợ chồng sẽ  vẫn tiếp tục đi làm thuê để con được chạy chữa, nhưng số tiền 50 triệu đồng vượt quá khả năng của vợ chồng chị.

Bác sĩ Huy cho biết:  "Mỗi cuộc mổ ít nhất cũng phải cách nhau trung bình 6 tháng, bởi vì mổ quá gần nhau mà cơ thể bạn ấy thế này thì bạn không chịu được. Mổ cả 3 cuộc thì ngoài bảo hiểm y tế thì những chi phí ngoài bảo hiểm cần khoảng 50, 60 triệu. Mà bạn ấy năm nay mới 23 tuổi, sau này còn lập gia đình sinh con. Còn nếu để riêng hậu môn nhân tạo như thế mà không có hậu môn thì khả năng có con cái là không thể có được".

Trải qua cuộc phẫu thuật đầu tiên, Vi Thị Hơn khoe với chúng tôi, bụng em không còn đau tức, ăn được nhiều hơn, thoải mái hơn rất nhiều. Một tia hy vọng đã ánh lên trong đôi mắt và nụ cười yếu ớt của em. Điều duy nhất em mong mỏi là sức khỏe bình thường, thôi làm gánh nặng cho bố mẹ và em trai. 

Tia hi vọng mong manh của Vi Thị Hơn có trở thành sự thật? Liệu em có được trở lại với cuộc sống như một cô gái bình thường, được lấy chồng, sinh con? Chúng tôi hi vọng quý vị và các bạn sẽ chung tay cùng Kết Nối 45 trả lời rằng Có! Mỗi người chỉ một chút, một chút thôi, gom lại sẽ thành nhiều, sẽ mang tới cho em niềm hạnh phúc sống!

Các nhà hảo tâm muốn giúp đỡ em Vi Thị Hơn, xin liên lạc số điện thoại của chuyên mục: 0243.8255.667.

 


 

Hoàng Minh/VOV4 

Hoàng Minh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC