Chung tay xây dựng nông thôn mới ở Kon Plông
Thứ ba, 10:46, 04/01/2022 Thu Ha bt- 3 ảnh Thu Ha bt- 3 ảnh
VOV4.VN - Chọn xây dựng nông thôn mới làm khâu đột phá, đến cuối năm 2021, Kon Plông đã có 3 xã vùng dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới. Cuộc sống của người dân được cải thiện, tư duy trong lao động sản xuất ngày càng tiến bộ.

 

Mưa dầm và lạnh là kiểu thời tiết đặc trưng ở huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vào thời điểm cuối năm. Trên con đường bê tông sạch sẽ dẫn vào làng Kon Chênh, xã nông thôn mới Măng Cành, dưới trời mưa phùn người dân vẫn tấp nập vận chuyển cà phê, sắn và một số loại dược liệu từ ruộng rẫy ra điểm tập kết để đưa đi tiêu thụ.

Ông A Lễ, Chi hội trưởng Cựu chiến binh làng Kon Chênh cho biết, hiện tại, nhà nào cũng thi đua lao động sản xuất chứ không như trước đây những tháng cuối năm mưa lạnh chỉ biết đóng cửa, sưởi lửa, uống rượu rồi ngủ. Việc xây dựng nông thôn mới, cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể xã Măng Cành đã khơi dậy, phát huy được vai trò chủ thể của người dân.

Tất cả mọi người dân đều tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới. Bà con chung tay làm đường giao thông, hỗ trợ nhau xây dựng nhà cửa khang trang, chia sẻ kinh nghiệm trong lao động sản xuất. Gia súc được chăn dắt chứ không thả rông. Lớp trẻ phát triển kinh tế rất tốt vì có sức khỏe lại tiếp thu nhanh kiến thức.

Cuối năm 2020 xã Măng Cành, huyện Kon Plông đạt chuẩn 19/19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Nhiều tiêu chí khi bắt tay thực hiện gặp khó khăn, như: Tiêu chí số 2 về giao thông, số 9 về nhà ở dân cư, số 13 tổ chức sản xuất, số 10 về thu nhập…

Để xây dựng được nông thôn mới trong điều kiện cuộc sống của gần 2.500 người dân trong xã, với chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số Xơ đăng còn nhiều khó khăn, chính quyền xã xác định khâu đột phát là phải phát huy được nội lực của người dân và trước tiên tập trung vào việc phát triển kinh tế hộ gia đình.

Tất cả hộ dân Xơ đăng ở huyện Kon Plông đã được sử dụng điện lưới quốc gia.

Ông Mai Xuân Mậu, Chủ tịch UBND xã Măng Cành, cho biết: Chúng tôi tuyên truyền cho người dân tự nỗ lực để vươn lên thoát nghèo, bằng các chính sách từ các nguồn hỗ trợ Nhà nước, vốn vay ưu đãi của kênh Ngân hàng chính sách vận động người dân vay vốn, sử dụng đồng vốn có hiệu quả để phục vụ cho việc phát triển kinh tế gắn với cuộc vận động thay đổi nếp nghĩ và cách làm.

Với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của người dân, vài năm trở lại đây kinh tế- xã hội ở xã Măng Cành có sự phát triển vượt bậc. 735 hộ dân trong xã đã mở rộng được diện tích cây trồng lên trên 1.500ha, nâng tổng đàn gia súc lên gần 8.000 con… một số cây trồng, vật nuôi cho người dân thu nhập cao, như cà phê xứ lạnh, dược liệu, đàn trâu, dê.

Cùng với đó nhiều mô hình sản xuất, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp và người dân được hình thành hoạt động có hiệu quả. Nhờ vậy đến cuối năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm xuống chỉ còn 3,5% theo chuẩn nghèo đa chiều.

Một hộ dân Xơ đăng ở huyện Kon Plông tham gia phát triển du lịch cộng đồng để tăng thu nhập.

Giờ đây, người dân Măng Cành không còn phải quá lo cho cái ăn, cái mặc hàng ngày, ai cũng tích cực tham gia công việc chung của làng, của xã để giữ vững thành quả và tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Anh A Nghị, Bí thư Chi bộ, Thôn trưởng Đăk Nê, cho biết: Cả thôn  tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới: làm đường giao thông, sửa chữa đường hư hỏng, rồi hiến đất mở đường, nhà văn hóa của làng được xây dựng lại khang trang. Hàng tháng cứ ngày 15 và 29, bà con tập trung tổng dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm. Việc học hành của con cái được quan tâm, chăm lo. Cuộc sống của bà con so với trước đây thay đổi rõ rệt.

Sau Pờ Ê, Măng Cành là xã thứ hai ở vùng dân tộc thiểu số của huyện Kon Plông xây dựng thành công nông thôn mới. Vừa qua huyện có thêm xã Đăk Tăng cũng đã đạt chuẩn 19/19 tiêu chí và 6 xã còn lại trong huyện đều đạt từ 15-17 tiêu chí.

Ông Đào Duy Khánh, Bí thư Huyện ủy Kon Plông cho biết: Xây dựng nông thôn mới đối với vùng khó khăn, nhất là vùng dân tộc thiểu số. Đây là sự nỗ lực rất lớn của hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân. Kinh nghiệm đối với huyện Kon Plông rà từng tiêu chí, rà soát từng hộ gia đình, thiếu tiêu chí gì thì tháo gỡ từ tiêu chí đó, từng bước một. Đạt chuẩn đã khó, giữ các tiêu chí càng khó hơn. Khi mà bước lên nông thôn mới thuận lợi là ý thức của người dân tốt hơn. Sự trông chờ, ỷ lại giảm hẳn đi. Người dân cố gắng phấn đấu thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Với quyết tâm xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số, đến nay bộ mặt nông thôn của Kon Plông, một trong những huyện khó khăn nhất tỉnh Kon Tum đã có những thay đổi vượt bậc.

Hiện 9 xã, thị trấn của huyện đều có đường ô tô đi được 2 mùa mưa nắng. Trên 95% đường liên thôn, nội thôn, đường đi khu sản xuất được cứng hóa. Tất cả các thôn, làng trong huyện đều có điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 15%. Thu nhập, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được cải thiện và quan trọng hơn nữa là tư duy trong lao động sản xuất của bà con ngày càng tiến bộ./.   

 

Khoa Điềm/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt- 3 ảnh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC