Bắc Kạn: Vàng tặc ngang nhiên tàn phá Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ,
Thứ tư, 00:00, 25/07/2018 THU HA bt THU HA bt
VOV4.VN - Tình trạng khai thác vàng trái phép ngay trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ ở tỉnh Bắc Kạn diễn ra từ nhiều năm nay. Thế nhưng chính quyền cơ sở khẳng định không có tình trạng này.

 

 

Trong khi đó, lực lượng chức năng, mà cụ thể là kiểm lâm lại thừa nhận có việc các nhóm khai thác vàng trái phép vẫn hoạt động lén lút và nhỏ lẻ. Theo điều tra của nhóm phóng viên VOV, tình trạng khai thác trái phép vàng sa khoáng ngay trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ diễn ra một cách công khai, rầm rộ.  

Để tiếp cận khu vực khai thác vàng trái phép trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, chúng tôi phải vượt qua những đoạn đường mòn quanh co, có đoạn dốc đứng với đá tai mèo lởm chởm.

Dọc đường đi có những nhóm người dân địa phương gánh hàng thuê cho những chủ bãi vàng. Họ cho biết, những mặt hàng nhẹ là như gạo, thịt, rau... được tính phí là 5000 đồng/kg. Còn máy móc lớn tính trọn gói hay hai bên tự thống nhất giá.

( Người dân gồng gánh thực phẩm  phục vụ cho các phu vàng)

Theo một người dân địa phương cho biết: Hiện ở Lũng Đẩy có khoảng 5 lán của người đào vàng.

Cuộc sống của đồng bào dân tộc Tày, Dao ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ tưởng chừng như bình yên dưới những cánh rừng đại ngàn, nhưng phía trong những cánh rừng này là những công trường thực sự với tiếng máy nổ, máy khoan ngày đêm gầm gào của những kẻ đào rừng, khoét núi khai thác “vàng sa khoáng”.

Trên các cung đường trong vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, những bao tải đất nằm la liệt, những lán trại được phủ bạt màu xanh bên những bãi đất màu vàng vẫn còn chưa khô và nhiều hầm vàng cả mới, cả cũ sâu hun hút. Đây chính là những mố hiểm họa. Bởi chỉ một chút sơ sểnh, không chú ý, ngã xuống đó là có thể tử vong ngay lập tức.

Hình thức khai thác vàng ở đây chủ yếu là đào các hầm sâu vào lòng đất, sau đó phu vàng dùng xà beng đào đất đá cho vào bao tải, dùng tời kéo ra ngoài. Đất đá được cho vào máy nghiền, sàng, lọc và thau rửa để lọc lấy vàng cám.

Các lũng có nhiều nhóm khai thác vàng khác nhau. Xung quanh các hầm khai thác vàng là những lán trại được dựng lên để phu vàng sinh hoạt, ăn ngủ tại chỗ với số lượng từ 5 đến 10 người mỗi đội.

Tình trạng khai thác vàng trái phép diễn ra công khai và khá quy mô trong Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, thế nhưng ông Nguyễn Duy Huế, Chủ tịch UBND xã Kim Hỷ, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn lại khẳng định không có tình trạng này. Thậm chí ông Huế còn cho biết: ông cùng đoàn kiểm lâm và các lực lượng chức năng thường xuyên đi kiểm tra nhưng cũng không phát hiện gì.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đoàn Tú, Chi cục phó Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Bắc Kạn lại thừa nhận vẫn có tình trạng khai thác vàng trái phép lén lút, nhỏ lẻ tại Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ.

Câu chuyện vàng tặc ở Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ đến khi nào mới có thể chấm dứt, khi chính quyền địa phương khẳng định không có, còn lực lượng Kiểm lâm thì thừa nhận vẫn còn nhưng lén lút và nhỏ lẻ?

Còn trên thực tế, tại đây, nhiều lán trại được dựng lên từ những cây gỗ lớn trong rừng bị đốn hạ, tiếng máy nghiền tuyển vàng, tiếng máy bơm ngày ngày hoạt động ầm ầm hết công suất cùng với hàng chục phu vàng ở mỗi lũng bãi thì không thể nói là không có hoặc có nhưng lén lút và nhỏ lẻ.

Thậm chí, các kênh vận chuyển nhu yếu phẩm, máy móc, vào sâu trong rừng phục vụ hoạt động khai thác vàng trái phép cũng diễn ra “thanh thiên bạch nhật” vượt qua tới 8 trạm chốt kiểm soát ở các điểm được coi là xung yếu, huyết mạch bảo vệ khu bảo tồn thiên nhiên của các lực lượng chức năng.

Chính quyền địa phương và lực lượng chức năng cũng đã thường xuyên tiến hành truy quét các đối tượng khai thác vàng trái phép nhưng hiệu quả lại chưa cao, thậm chí có đợt truy quét nhưng lại không phát hiện được ai vi phạm?

Đây có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác vàng trái phép nở rộ ở Kim Hỷ. Nếu tỉnh Bắc Kạn không vào cuộc kịp thời, quyết liệt với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả thì vàng tặc sẽ băm nát Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ vốn có sự đa dạng sinh học phong phú, là nơi lưu giữ và bảo tồn nhiều nguồn gen động, thực vật quý hiếm trong diện phải được quản lý và bảo vệ nghiêm ngặt của quốc gia./.

 

Tiến Cường /VOV Đông Bắc

THU HA bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC