Đắk Lắk: phá rừng vẫn phức tạp do dân di cư ngoài quy hoạch
Thứ năm, 00:00, 11/04/2019 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Dân di cư ngoài kế hoạch đang gây áp lực nặng nề cho công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Đắk Lắk.

 

Theo đánh giá của UBND tỉnh Đắk Lắk, từ năm ngoái đến nay, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, vận chuyển lâm sản trái phép tiếp tục diễn biến phức tạp.

Vụ phá rừng nổi cộm đang được dư luận quan tâm hiện nay ở Đắk Lắk là việc cơ quan chức năng vừa thu giữ 26 hộp gỗ xẻ (tương đương khoảng 22 mét khối gỗ quy tròn) tập kết tại xã Cư San, huyện M’Đrắk.

(Cơ quan chức năng thu giữ 26 hộp gỗ xẻ tập kết tại xã Cư San, huyện M’Đrắk  - Ảnh: VOV)

Mở rộng điều tra, lực lượng công an còn phát hiện một số cây gỗ đã bị cưa hạ. Số gỗ này được xác định là khai thác tại tiểu khu 824 nhưng chưa xác định được đối tượng cụ thể. Đây là vụ hủy hoại rừng có quy mô lớn, với tính chất phức tạp, nên Thường trực Huyện ủy M’Đrắk đã giao cho Viện kiểm sát nhân dân huyện chủ trì, xác định đây là vụ án điểm để khẩn trương điều tra và đưa ra xét xử lưu động.

Ông Hòa Quang Khiêm – Chủ tịch UBND huyện M’Đrắk cho biết, từ năm ngoái đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 150 vụ vi phạm Luật  bảo vệ và Phát triển rừng. Cùng với vụ hủy hoại rừng quy mô lớn tại tiểu khu 824, lực lượng công an cũng phát hiện đối tượng Trần Thế Tuyên, ở xã Cư Króa vận chuyển 33 hộp gỗ, với khối lượng trên 30m3. Phần lớn các vụ việc đều do cơ quan công an phát hiện và xử lý, trong khi lực lượng kiểm lâm chưa đủ tin cậy.

(Phần lớn các vụ việc đều do cơ quan công an phát hiện - nh: VOV)

Theo ông Khiêm  lực lượng kiểm lâm chưa đủ tin cậy để nhận tin báo và xử lý tin báo. Nếu chỉ có kiểm lâm tác nghiệp chỗ này thì các đối tượng sẵn sàng manh động, nhưng nếu có công an thì xử lý được. Thực tế ở địa bàn cũng có dấu hiệu kiểm lâm chưa chuẩn mực. Ngành công an cũng đang có báo cáo với Chủ tịch và Bí thư tình trạng kiểm lâm địa bàn tranh chấp đất đai với người dân và công ty với 19,5ha”.

Huyện biên giới Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk cũng là “điểm nóng” về dân di cư tự do, gây lực nặng nề cho công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất lâm nghiệp. Tình trạng xâm chiếm đất rừng diễn ra trên diện rộng, quy mô lớn, trong thời gian dài.

Trên địa bàn hiện có khoảng 1.000 hộ, với hơn 5.000 người, chia thành 5 cụm dân cư đang sinh sống trong rừng. Thành phần này thường xuyên phá rừng và lấn chiếm đất lâm nghiệp một cách manh động, sẵn sàng chống trả quyết liệt lực lượng chức năng. Mặc dù, chính quyền và ngành chức năng đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng hiệu quả vẫn hạn chế.

Huyện đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt để xử lý, như thành lập các đoàn vào những vùng đồng bào di dân tự do tá túc để tuyên truyền vận động, giáo dục thuyết phục nhưng đồng bào không nghe; Thành lập các đoàn để truy quét, đẩy đuổi, phá bỏ các lều lán trại. Đặc biệt, huyện tập trung xử lý các đối tượng vi phạm; trong năm vừa qua chúng tôi xử lý trên 100 vụ.

(Một vụ phá rừng sát QL 29, thuộc xã Cư Mlan, huyện Ea Súp - Ảnh: VOV)

Từ năm ngoái đến nay, ngành chức năng tỉnh Đắk Lắk đã phát hiện gần 1.360 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, trong đó phần lớn là vận chuyển, mua bán lâm sản trái phép. Cơ quan chức năng đã xử lý hành chính gần 1.200 vụ, xử lý hình sự 23 vụ với 34 bị can, tịch thu hơn 1.900 mét khối gỗ cùng hàng trăm phương tiện các loại, thu nộp ngân sách gần 15 tỷ đồng.

Trong rất nhiều vụ việc được phát hiện, xử lý vai trò của lực lượng kiểm lâm rất mờ nhạt, trong khi lực lượng công an đã thể hiện sự quyết liệt để phòng chống tội phạm.

Từ năm ngoái đến nay, riêng lực lượng công an đã phát hiện gần 200 vụ vi phạm, với 207 đối tượng. Điển hình là 2 vụ vận chuyển gỗ bằng 5 xe ô tô tại huyện Ea Súp, lực lượng công an đã thu giữ gần 200 ster gỗ, hơn hơn 4,6 mét khối gỗ hộp không có hóa đơn chứng từ hợp pháp.

Kiểm tra Công ty Đắk Bùng ở thôn 2 xã Ea Lê, công an phát hiện hơn 2.000 tấm gỗ, thanh gỗ xẻ với tổng khối lượng hơn 40 mét khối và 36 lóng gỗ với khối lượng hơn 18 mét khối đều không có hóa đơn chứng từ hợp pháp. Cùng thời điểm, lực lượng công an phát hiện đối tượng Nguyễn Quang Tiệp trú tại xã ĐLiê Ya, huyện Krông Năng cất giấu 174 mét khối gỗ bất hợp pháp tại nương rẫy.

Theo Đại tá Phạm Minh Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Đăk Lăk, bên cạnh áp lực từ dân di cư tự do, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng và vận chuyển lâm sản trái phép diễn biến phức tạp một phần do lực lượng chuyên trách chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các ngành liên quan thực hiện quản lý bảo vệ rừng, có dấu hiệu buông lỏng công tác quản lý, làm ngơ hoặc bao che cho các hoạt động.

Lực lượng kiểm lâm là lực lượng chức năng được giao trách nhiệm trực tiếp làm công tác quản lý bảo vệ rừng, có lực lượng chuyên trách tuần tra chốt chặn tại các cửa rừng, các tuyến đường vận chuyển lâm sản xung yếu. Tuy nhiên các vụ vi phạm được phát hiện, bắt giữ, nhất là các vụ xử lý hình sự chưa phản ánh đúng tình hình thực tế, chưa ngăn chặn và xử lý tận gốc tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý bảo vệ rừng”-đây là nguyên nhân khiến người dân không tin tưởng vào lực lượng kiểm lâm và các vụ dân di cư phá rừng vẫn diễn ra tràn lan ở Đắk Lắk./.

 

Quốc Học/VOV Tây Nguyên

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC