Những rừng thông xanh đã từng phủ kín hai bên quốc lộ 14 và 28 qua một số xã của tỉnh Đăk Nông, vừa phòng hộ cho các đoạn quốc lộ này, vừa tạo cảnh quan thơ mộng, môi trường trong lành. Nhưng nay, dọc tuyến Quốc lộ 14 đoạn qua địa bàn xã Trường Xuân, xã Nâm N’Jang thuộc huyện Đắk Song hàng trăm cây thông bị đầu đọc bằng hoá chất đang rủ lá và chờ chết.
(Hàng trăm cây thông bị đầu đọc bằng hoá chất đang rủ lá và chờ chết - Ảnh: KT)
Ông Nông Văn Cương – Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’Jang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông cho biết, mặc dù, địa phương đã phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp từ tuyên truyền cho đến xử phạt hành chính. Tuy nhiên, do đa phần các đối tượng thực hiện hành vi vào ban đêm nên rất khó để xử lý triệt để.
Một số đối tượng xấu đã dùng khoan nhỏ khoan vào thân cây rồi đổ hóa chất vào đó, làm cho cây thông chết dần. Điều đáng chú ý, phần lớn diện tích thông bị chết đều sát với những ngôi nhà được xây dựng trái phép trên Quốc lộ 14 và đan xen với nhiều vườn rẫy của người dân.
(Những đối tượng xấu dùng khoan nhỏ khoan vào thân cây rồi đổ hóa chất vào - Ảnh: KT)
Đất mặt tiền càng có giá, tình trạng phá thông càng xảy ra liên tục, hầu hết các vụ ken thông đều không bắt được các đối tượng. Ông Lê Viết Sinh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông thì cho rằng, cái khó tăng lên gấp bội khi các khoảng rừng được trồng nối tiếp, xen lẫn với khu dân cư.
Theo đó, 380 ha rừng thông dọc quốc lộ 14, trong đó chỉ 200 ha là có rừng, còn lại là đất trống bị người dân lấn chiếm. Hiện tại dọc quốc lộ 14 giá đất quá cao nên người dân bằng mọi giá chiếm đất sử dụng và bán.
Chính quyền đã có nhiều biện pháp để quản lý, giao rừng cho dân, tuy nhiên một số hộ dân vì lợi nhuận của bản thân mà không bảo quản tốt.
Còn tại tuyến đường Quốc lộ 28 đoạn qua các xã Đắk Ha và Quảng Sơn, huyện Đắk G’Long, trung bình mỗi năm có hàng trăm cây thông bị đầu độc. Khu vực này nhiều năm gần đây luôn được xem là một trong những điểm nóng của tỉnh Đắk Nông về phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Việc phá hoại thông để làm nhà, lấn chiếm đất vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông, tính từ năm 2015 đến 9/2019 trên địa bàn huyện Đắk G’Long xảy ra 47 vụ phá rừng thông với thiệt hại hơn 2.000 cây. Còn tại huyện Đắk Song xảy ra 78 vụ, thiệt hại hơn 2000 cây.
(Việc phá hoại thông để làm nhà, lấn chiếm đất vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt - Ảnh: KT)
Ngoài công tác tuyên truyền nêu cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng thì lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông đã kiến nghị với ngành Công an vào cuộc điều tra, xử lý triệt để những đối tượng đầu độc, phá hoại rừng thông.
Riêng đối với lực lượng kiểm lâm tập trung tuyên truyền, tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm, đồng thời lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi phá thông.
Sự việc phá hoại rừng thông bằng hóa chất không mới, nhưng do sự bị động của các cơ quan có thẩm quyền trong bảo vệ rừng, cách phá rừng này vẫn không được ngăn chặn.
Hàng ngàn cây thông cảnh quan của tỉnh Đăk Nông bị chết đứng mỗi năm bởi sự tham lam của những kẻ muốn chiếm đất. Việc trồng thay thế không được thực hiện, nên rừng thông ven QL ở địa phương ngày một tiêu điều.
Từ khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính Phủ vào ngày 11/10 vừa qua, lực lượng chức năng tỉnh Đăk Nông mới ráo riết vạch ra phương án để điều tra, bắt giữ những đối tượng có hành vi phá hoại rừng. Nhưng nếu chỉ bắt giữ, xử phạt mà không trồng thay thế, bổ sung, thì những cánh rừng thông xanh ở Đăk Nông sẽ tiếp tục tan hoang./.
Hoàng Qui/VOV Tây Nguyên
Viết bình luận