Cử tri cho biết, thời gian qua, trên địa bàn xảy ra nhiều vụ vỡ nợ của các đại lý nông sản. Với số tiền mỗi vụ đến hàng chục tỷ đồng, đã có hàng nghìn hộ dân điêu đứng khi ký gửi nông sản cho các đại lý, doanh nghiệp nông sản. Những vụ vỡ nợ kiểu này đều có những đặc điểm chung về những lỗ hổng pháp lý trong hoạt động ký gửi nông sản và biến tướng của hoạt động tín dụng đen.
Sau vỡ nợ, những đại lý, doanh nghiệp vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, tài sản đã bị tẩu tán, trong khi đó người dân không thể làm gì khác ngoài việc chờ đợi trong vô vọng. Để chấm dứt tình trạng này, cử tri đề nghị, chính quyền địa phương cần vào cuộc và Quốc hội, Chính phủ cần có các chế tài nghiệm minh.
Ký gửi nông sản vẫn còn nhiều lỗ hổng pháp lý và rủi ro (Trong ảnh là một phiếu ký gửi vào một doanh nghiệp vỡ nợ năm 2016 ở huyện Đắc Đoa)
Ông Phùng Văn Quy, ở thôn 2, xã Tân Bình, nói: “Hiện tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đang xảy ra tại địa phương rất nhiều. Trong năm 2016 đã xảy ra tới 3,4 vụ. Do các con nợ lợi dụng kẽ hỡ trong Luật Hình sự và Luật Dân sự, và lợi dụng lòng cả tin của người dân. Cho nên, tôi đề nghị chính quyền địa phương tăng cường vấn đề tuyên truyền, vận động nhân dân để cảnh giác tội phạm này. Thứ hai, là về Luật, bây giờ lừa đảo là hình sự chứ không thể dân sự được”.
Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri đề nghị Quốc hội, Chính phủ cần quan tâm hơn tới các chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Các chương trình, dự án cần đi vào thực chất, với các giải pháp hiệu quả, tránh đầu tư giàn trải, để những vùng này phát triển kinh tế, xã hội một cách bền vững.
Công Bắc/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận