Hà Giang: Rủi ro lao động "chui" sang Trung Quốc
Thứ sáu, 00:00, 13/12/2019 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Sang Trung Quốc làm thuê theo diện tự do, vi phạm các quy định pháp luật về xuất, nhập cảnh nên những người lao động Hà Giang bị hàng trăm mối nguy hiểm rình rập.

 

Vài năm trở lại đây, số lượng lao động ở Hà Giang sang Trung Quốc làm thuê ngày một tăng, chủ yếu làm các công việc như trồng, khai thác rừng, xây dựng, bốc dỡ hàng hóa và các công việc liên quan đến sản xuất nông nghiệp.

Số tiền thu nhập từ làm thuê bên kia biên giới có phần cao hơn ở quê nhà nhưng nhiều người bị bóc lột sức lao động, làm việc vất vả trong điều kiện không đảm bảo an toàn, thậm chí còn bị chủ lừa không trả tiền công.

Anh Mùa A Giàng, người thôn Phố Trồ, thị trấn Phó Bảng, huyện Đồng Văn, đã từng nhiều lần sang bên kia biên giới kiếm việc làm thuê. Một lần nghe bạn bè rủ qua bên kia biên giới phát cỏ rừng, người chủ hứa mỗi ngày được trả công 300-400 nghìn đồng, nhưng đến cuối năm thì chẳng thấy tiền đâu.

Anh Giàng cho biết, một phần nguyên nhân là do nghe theo họ: qua biên giới không cần làm giấy thông hành cho đỡ tốn tiền, nên khi bị chủ lừa không biết kêu ai.

(Anh Mùa A Giàng vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại quãng thời gian sang Trung Quốc làm thuê - Ảnh: VOV)

Theo ông Bùi Tiến Dũng, Chủ tịch UBND xã Sủng Là, huyện Đồng Văn: Hiện ở xã có khoảng 160 người qua bên kia biên giới lao động làm thuê, trong đó chỉ 12 trường hợp là có hợp đồng lao động. Hầu hết đều do nhu cầu việc làm và do đường mòn mở nhiều nên bà con tự ý qua biên giới làm thuê.  

Hiện tại tỉnh Hà Giang có khá nhiều người dân tự ý qua biên giới làm thuê và bị chủ quỵt tiền, thậm chí bị trục xuất về nước do không đủ giấy tờ hợp pháp.

Cá biệt, có trường hợp người lao động bị các lực lượng chức năng Trung Quốc bắt, giam giữ, phạt tiền, nhiều trường hợp bị thiệt mạng. Thậm chí, nhiều trường hợp, các đối tượng buôn người đã lôi kéo phụ nữ trẻ đi lao động với mức lương cao sau đó lừa bán.

Từ đầu năm đến nay, Bộ ch huy Bộ đội biên phòng tỉnh Hà Giang đã bắt giữ 3 đối tượng liên quan đến tội phạm mua bán người, có 16 trường hợp phụ nữ và trẻ em bỏ đi khỏi địa bàn không lý do, chưa xác định nguyên nhân.

Câu chuyện về những cái chết thảm từ lao động di cư trái phép đã được cảnh báo. Nhiều gia đình, nhiều cảnh đời đã phải chịu những hệ lụy mất mát từ lao động xuất cảnh trái phép.

Nhằm từng bước giải quyết tình trạng người lao động vượt biên sang Trung Quốc làm thuê, thời gian qua, chính quyền hai bên biên giới đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, hội đàm, đưa ra các giải pháp quản lý lao động.

Trên cơ sở thỏa thuận, ký kết, thời gian qua UBND huyện Đồng Văn đã  tổ chức ký hợp đồng cho 366 người sang lao động với đơn vị bạn.

Việc ký kết thỏa thuận hợp tác lao động đã góp phần tăng cường quản lý lao động xuất cảnh trái phép. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền cho người dân nhận thức được vấn đề chấp hành luật pháp, đặc biệt về Hiệp định biên giới đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm./.

 

Mạnh Phương/VOV1

 

 

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC