Nỗi lo mất rừng đi cùng nỗi lo mất cán bộ Kỳ cuối: Điều tra, xử lý sai phạm, tham nhũng rừng: Khó và vướng ở đâu?
Thứ năm, 12:01, 17/06/2021 Thu Ha bt Thu Ha bt
VOV4.VN - Thanh kiểm tra, xử lý nghiêm những sai phạm trong phá rừng ở Tây Nguyên là yêu cầu cấp bách, tuy nhiên, công tác này đang khó và vướng ở nhiều mặt.

 

Công an tỉnh Đắk Lắk đang điều tra tin báo có dấu hiệu tội phạm xảy ra tại 4 công ty lâm nghiệp gồm Cư M’lan, Rừng Xanh, Ia Lốp và Ia Mơ, thuộc huyện Ea Súp. Theo đó, giai đoạn 2006-2016, tại 4 công ty này để mất hơn 22.000héc ta rừng. Đây là vụ việc có dấu hiệu rất nghiêm trọng.

Nếu chỉ áp theo tiêu chí rừng nghèo kiệt (trữ lượng 10-50m3/héc ta) thì 22.000héc ta rừng bị mất quy ra sẽ có ít nhất 220 nghìn m3 gỗ đã bị thiệt hại.

Trung tá Nguyễn Đức Tin, Phó trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03), Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Chúng tôi tiếp nhận xử lý và phát hiện tình trạng phá rừng  đã diễn ra trong thời gian rất dài, hiện trường đã bị thay đổi do tác động của thiên nhiên, con người. Nên công tác truy vết rất khó khăn. Chúng tôi đang tập trung thu thập các tài liệu, chứng cứ và phối hợp với Viện Kiểm sát đánh giá các tài liệu, chứng cứ.

Công an tỉnh cũng chúng tôi  cử cán bộ tham gia đoàn công tác 1169 do UBND tỉnh thành lập về kiểm kê, xác định trữ lượng gỗ thiệt hại đối với 4 công ty lâm nghiệp này. Sau khi có kết quả kiểm kê cũng như xác định trữ lượng gỗ bị thiệt hại, sẽ tiến hành khám nghiệm hiện trường, định giá hậu quả thiệt hại và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Hiện tại, Gia Lai là tỉnh phát hiện nhiều nhất các sai phạm có dấu hiệu tham nhũng trong quản lý, bảo vệ rừng. Cụ thể, giai đoạn 2016-2020, Thanh tra tỉnh phát hiện tại 9 ban quản lý rừng có dấu hiệu phạm tội, với tổng diện tích rừng bị mất là gần 10 nghìn héc ta, tổng số tiền sai phạm là hơn 27 tỷ đồng, có dấu hiệu tham nhũng.

Hồ sơ 9 vụ việc đã được chuyển đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh nhưng đến nay, mới chỉ có 2 vụ hoàn tất điều tra và khởi tố. Tiến độ điều tra nhiều vụ việc rất chậm, có những vụ việc chuyển hồ sơ từ năm 2017 nhưng đến nay vẫn chưa điều tra xong.

Việc điều tra, xử lý sai phạm liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ rừng ở Tây Nguyên đang gặp nhiều khó khăn.

Từ năm 2018, vấn đề tham nhũng tại các ban quản lý rừng phòng hộ, công ty lâm nghiệp đã được nhận diện và được Ban Nội chính đưa vào chương trình trọng tâm xem xét, theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo. Tuy nhiên, quá trình điều tra, xử lý nhiều vụ việc sai phạm đang bị vướng, dẫn đến kéo dài, khó xử lý.

Ông Nguyễn Văn Thắng, Phó trưởng Ban Nội chính Tỉnh uỷ Gia Lai cho biết: Khó nhất là xác định trách nhiệm từng thời điểm để thất thoát tài nguyên rừng, vi phạm về công tác quản lý bảo vệ rừng, diện tích mất từng thời gian trách nhiệm thuộc về ai. Điều quan trọng nhất là giám định rừng bị xâm hại, tính giá trị về mặt vật chất thì hiện nay đang rất vướng. Bởi vì là cơ quan giám định phải là cơ quan lâm nghiệp mà có thẩm quyền là cơ quan cấp trên. Thứ hai, kinh phí giám định hiện đang rất bí. Không thực hiện được giám định thì Cơ quan điều tra rất khó có đủ căn cứ để khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xem xét về mặt hình sự.

Càng để lâu thì việc xử lý đối với các vụ việc sai phạm liên quan đến mất rừng, tham nhũng càng khó. Bởi theo quy định của Luật Hình sự, thời hiệu xử lý chỉ có 20 năm. Trong khi có những vụ việc đã sát mốc thời gian này.

Nhưng khó và vướng thì còn có thể nghiên cứu tháo gỡ. Việc điều tra, xử lý các vụ việc mất rừng liên quan đến các dự án của doanh nghiệp tư nhân hiện nay các tỉnh còn không thực hiện được vì thiếu chế tài.

Tại tỉnh Đắk Nông, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hơn 6.700héc ta rừng bị phá tại 44 dự án của 43 doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp xảy ra sai phạm, rừng bị phá với tỷ lệ lên đến 90-100% nhưng chưa được xử lý theo quy định của pháp luật.

Tỉnh cũng nhận thấy bất ổn trong các vụ việc mất rừng tại dự án của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, chưa xử lý hình sự được doanh nghiệp nào là vì khó khăn về chế tài.

Ông Lê Quang Dần- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông cho biết: Đắk Nông cũng nằm trong tình trạng chung với các địa phương khác. Quá trình xử lý vi phạm của các công ty cũng khó khăn. Đặc biệt, khi cho các đơn vị tư nhân thuê rừng mà để mất rừng thì chế tài xử lý hình sự đối với các đơn vị này là rất khó khăn.

Thực tế cho thấy, đôi khi thanh kiểm tra, điều tra, xử lý sai phạm không phải khó vì thời gian dài, vì thiếu chế tài mà khó và vướng vì thiếu sự phối hợp, bị chính các cơ quan, ban ngành địa phương làm khó.

Như vụ việc phát hiện có dấu hiệu bất thường khi vợ chồng ông Tưởng Tín- cựu Trưởng ban quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ được cấp hai giấy GCNQSDĐ cho hai lô “đất vườn” với tổng diện tích lên đến 857.000m2, tức gần 86 héc ta, ngay tại thành phố Pleiku, tỉnh Gia Lai.

Không chỉ vượt nhiều lần so với hạn mức nhà nước quy định, Thanh tra tỉnh Gia Lai còn phát hiện nguồn gốc đất có một phần từ chính lâm phần của Ban quản lý rừng. Tuy nhiên, UBND thành phố Pleiku, nơi cấp GCNQSDĐ, báo cáo toàn bộ hồ sơ đã bị thất lạc, không có để cung cấp.

Thanh tra tỉnh đề nghị Sở TN&MT vào cuộc, phối hợp, nhưng với nhiều lý do khác nhau, vụ việc này đến nay vẫn chưa được làm rõ.

Và đây không phải vụ việc duy nhất việc thanh kiểm tra, điều tra, xử lý dấu hiệu sai phạm, tham nhũng bị gián đoạn, có dấu hiệu “chìm xuồng” bởi thiếu sự phối hợp, thậm chí tắc trách của cơ quan, ban ngành địa phương./.

 

Rừng Tây Nguyên đang bị tàn phá nghiêm trọng. Trong khi các cơ chế, chính sách, nguồn lực dành cho quản lý, bảo vệ rừng còn hạn chế, lực lượng bảo vệ rừng tỏ ra yếu thế trước lâm tặc thì điều đáng lo hơn là tình trạng “lâm tặc hóa” dần đội ngũ cán bộ bảo vệ rừng. Thanh kiểm tra ở các tỉnh mới chỉ một phần nhỏ nhưng đã phát hiện hàng loạt sai phạm, có dấu hiệu tham nhũng. Điều đó cho thấy, phần được phát hiện có thể mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Điều tra, xử lý nghiêm sai phạm, tham nhũng sẽ giúp lập lại trật tự nhưng hiện nay vẫn đang khó và vướng ở nhiều mặt. Đây cũng là việc làm khi sự đã rồi. Lúc này, điều cần thiết là phải xem xét lại cách thức quản lý. Các đơn vị làm sai nhưng sai quá lâu, ngành chủ quản buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát dẫn đến sai phạm, tiêu cực, tham nhũng cứ thế tiếp diễn với mức độ ngày càng tăng. Nếu có một bộ máy kiểm soát tốt, thì đã không có những sai phạm, tham nhũng xảy ra như thời gian qua.

 

Công Bắc/VOV Tây Nguyên

 

Thu Ha bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC