Trong cánh rừng tự nhiên của bản Nà Pen, xã Nà Nhạn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, cùng với tiếng cưa máy, nhiều cây lớn ầm ầm đổ xuống.
Những thân cây nhanh chóng được xẻ thành dạng hộp vuông thành sắc cạnh để dễ vận chuyển ra ngoài. Những hộp gỗ lớn nhỏ nằm la liệt trong lõi rừng. Có những hộp gỗ dài đến hơn 2 mét, dầy hơn 20cm.
Tại những nơi cây rừng bị đốn hạ, cưa xẻ, mạt gỗ vương vãi khắp nơi, nhiều gốc cây lớn còn đang ứa nhựa. Lâm tặc thì tấp nập với việc xẻ gỗ, chặt đốn, thu gom cành cây. Nhiều điểm cắt xẻ gỗ lớn nhỏ nhanh chóng được hình thành, nằm san sát khiến cánh rừng bản Nà Pen như công trường.
(Những hộp gỗ thành phẩm chờ được vận xuất ra ngoài- Ảnh: VOV)
Trên thực tế, cánh rừng này đã được cơ quan chức năng, chính quyền địa phương bàn giao cho cộng đồng dân bản quản lý, bảo vệ và hằng năm vẫn nhận tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Vậy mà chính quyền, lực lượng kiểm lâm, ngành chức năng địa phương lại không hề hay biết.
Sau khi xem những bức ảnh do phóng viên VOV ghi lại, ông Quàng Văn Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn khẳng định: Chúng tôi sẽ quyết phải tìm ra bằng được những người trực tiếp vi phạm để đề nghị cơ quan chức năng xử lý, giải quyết làm sao cho hợp tình, hợp lý và nghiêm trước pháp luật. Còn trách nhiệm của chính quyền địa phương chúng tôi cũng sẽ kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các trưởng bản, các tổ bảo vệ rừng mà chúng tôi đã cho họ ký cam kết từ trước tới nay mà vẫn không thực hiện nghiêm.
Theo chính quyền xã Nà Nhạn, cánh rừng già Nà Pen có diện tích khoảng 1.300 héc ta, có trữ lượng gỗ tự nhiên khá lớn, nhiều gốc cây có chu vi một người ôm không xuể. Khu vực rừng này được chi trả dịch vụ môi trường rừng và giao cho người dân các bản Nà Pen 1 – 2 – 3 – 4 quản lý. Năm 2018 đã thực hiện việc chi trả cho trên 1.200 héc ta rừng và ngay đầu năm nay cũng đã cho các thôn, bản ký cam kết không vi phạm đất rừng và gỗ rừng.
Ông Nguyễn Cương Quyết, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Điện Biên phân trần với phóng viên VOV, do diện tích rừng tự nhiên Nà Pen ở xa trung tâm, nên công tác quản lý, bảo vệ rừng gặp nhiều khó khăn. Thêm nữa chỉ có 1 kiểm lâm viên được giao cắm địa bàn, quản lý diện tích rừng rất rộng nên đã để xảy ra tình trạng này.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, đơn vị đã khẩn trương cho cán bộ kiểm lâm của hạt phối hợp với Ủy ban Nhân dân xã Nà Nhạn tiến hành họp dân để xác định vị trí khai thác và tiến hành tố giác tội phạm, tuy nhiên đến nay vẫn chưa phát hiện được. Khó nhất là tập quán canh tác trên đất dốc để làm lúa nương. Đất bạc màu là người ta lại tìm mọi biện pháp đi phá rừng. Dựa vào mấy tấm ảnh, ông Nguyễn Cương Quyết khẳng định là người dân Nà Pen 1-2-3 sẽ chỉ khai thác làm nhà tại chỗ cho con cái, sửa chữa hoặc tách hộ.
(Ông Nguyễn Cương Quyết khẳng định là người dân Nà Pen chỉ khai thác làm nhà tại chỗ cho con cái, sửa chữa hoặc tách hộ- Ảnh: VOV)
Giữa năm 2011, lợi dụng việc quy hoạch khai hoang ruộng nước, lâm tặc cũng đã ngang nhiên vào đốn hạ khoảng 5 héc ta cây rừng tự nhiên có tuổi đời vài chục, thậm chí vài trăm năm tuổi ở đây.
Đến nay, dù đã được tuyên truyền, thực hiện việc chi trả tiền bảo vệ rừng, giao trách nhiệm cho cộng đồng quản lý, song rừng già Nà Pen vẫn tiếp tục nhỏ máu, bị lâm tặc xẻ thịt.
Còn lực lượng chức năng, chính quyền địa phương vẫn chủ quan cho rằng, rừng đã được giao cho người dân thì sẽ được bảo vệ tốt. Chỉ đến khi sự việc đã rồi, rừng đã mất thì mới bàng hoàng, giật mình đi tiến hành xác minh, kiểm tra lại./.
Vũ Lợi/VOV Tây Bắc
Viết bình luận