Người Tày ở huyện Lộc Bình nhớ rằng: trước kia, các chủ gia đình đẽo thường đẽo chó đá từ đá xanh nguyên khối hoặc đá lấy về từ dòng suối. Hầu hết các tượng chó đá chỉ cao từ 20 - 30cm. Tùy theo hình dung của người đẽo mà chó đá ở mỗi gia đình có hình dạng, tư thế khác nhau, nhưng phổ biến nhất là tư thế ngồi hoặc trườn vồ.
Nếu ở tư thế ngồi, thì đầu và tai chó sẽ được tạc vểnh lên, như đang nghe ngóng. Còn nếu là tư thế trườn vồ, thì 2 chân sau của chó đá sẽ co lại thủ thế, 2 chân trước gác cao như sẵn sàng đáp trả các mối nguy hại đe dọa đến gia đình. Ông Hoàng Văn Phỏ, 59 tuổi ở thôn Long Đầu, xã Yên Khoái huyện Lộc Bình kể: Giống như người trần nuôi chó để giữ nhà, đặt chó đá để ngăn chặn tà mà vào nhà quấy phá.
Nuôi chó thật để trông nhà, đặt chó đá để ngăn tà ma. Ảnh: Hoàng Minh
Thầy mo Tô Hữu Việt ở khu Lao Động, thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình, cho biết: không nhất thiết gia đình nào cũng phải đặt chó đá trước cửa nhà. Việc đặt chó đá hay không phụ thuộc và kết quả xem phong thủy của các thầy mo.
Theo tập quán, sau khi dựng nhà mới, các chủ gia đình phải mời thầy về xem. Gia đình nào làm nhà trên thế đất dữ, trước cửa nhà có núi, không thuận cho đường tài lộc, bình an thì phải mời thầy mo đến xác định vị trí đặt chó đá hợp với phong thủy rồi làm lễ cúng mở thiên nhãn cho chó đá.
Sau thủ tục này, chó đá được người dân kính cẩn gọi là thiên cẩu. Bà con quan niệm, các gia đình làm nhà trên thế đất dữ, nếu không thờ chó đá thì làm ăn lụi bại do bị tà ma nhũng nhiễu. Cũng theo thầy mo Tô Hữu Việt, không chỉ người Tày mà cả nhiều dân tộc sinh sống tại Lộc Bình cũng tin theo tục thờ chó đá như người Nùng, người Dao, người Hoa...v...v
Anh Hoàng Văn Nam và con trai ở thôn Phiên Quăn, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình tắm rửa cho chó đá trước khi thắp hương. Ảnh Hoàng Minh
Theo phong tục của bà con ở Lộc Bình, vào ngày rằm, mùng một hàng tháng, sau khi thắp hương trên bàn thờ gia tiên, các gia đình còn phải thắp hương cho chú chó đá này. Đặc biệt, chiều 30 Tết, các gia đình còn sửa soạn một mâm lễ riêng để dâng cho chó đá.
Tùy vào điều kiện gia đình, mâm cúng chó đá có thể thịnh soạn với gà luộc, bánh nếp, chai rượu, một bát gạo sống, hoặc chỉ có đĩa hoa quả, gói bánh cũng xong. Ngoài ra, các gia đình còn chuẩn bị một một dải vải đỏ dùng để quàng cho chó đá sau khi thắp hương với ý nghĩa mừng tuổi, tạ ơn chó đá đã trông nom cửa nhà yên lành trong suốt một năm qua.
Hoàng Minh/VOV4
Viết bình luận