Chọn đất, người Khơ mú kiêng động nhà ma
Thứ năm, 00:00, 14/09/2017 Hoàng Minh Hoàng Minh
VOV4 - Quá trình canh tác của người Khơ Mú bắt đầu từ việc chọn đất, phát nương, đốt rẫy... Mỗi công đoạn đều đi kèm những quy định, kiêng kị nghiêm ngặt để đảm bảo mùa màng bội thu. Đặc biệt là khâu chọn đất, phát nương.

 

Với hình thức canh tác luân khoảnh, khi mảnh nương cũ đã bạc màu, các gia đình người Khơ mú sẽ đi tìm một mảnh nương mới màu mỡ với diện tích đảm bảo cung cấp đủ lương thực cho các thành viên trong gia đình. Từ tháng 10 đến tháng 1 âm lịch là khoảng thời gian nông nhàn, thường là lúc để người Khơ Mú đi chọn đất làm nương. Khi đi săn bắn, đặt bẫy trong rừng, người ta cũng thường tranh thủ xem xét mảnh đất phù hợp.

Đất để canh tác trước tiên phải là khu đất không liên quan đến những khu rừng thiêng, đặc biệt là rừng mồ mả. Ngoài rừng mồ, người Khơ Mú cũng tuyệt đối kiêng những khu rừng đầu nguồn – nơi có nhiều suối nhỏ, rừng có nhiều cây đa to, cây cổ thụ hay nơi có những vũng nước lớn.

Theo giải thích của nhà nghiên cứu văn hóa Vi Tân Hợi, đồng bào cho rằng rừng mồ là nhà của linh hồn những người đã chết. Ờ suối nước có ma nước. Cây cổ thụ có ma rừng. Nếu ai phát, đốt những khu đó là phá nhà, phá bản của ma khiến sông suối không còn cá tôm, con người bị đau ốm, điên loạn. Khi nương lúa lên xanh, ma sẽ dẫn thú rừng đến phá hoại.

Mỗi công đoạn chọn đất được người Khơ Mú kiêng kị nghiêm ngặt. Ảnh: KT Internet

Sau khi chọn được khu đất thích hợp, người Khơ Mú cũng không quên kiểm tra khu đất mình chọn có hiện tượng khác thường không. Thí dụ như trong mảnh đất ấy, nếu thấy con dúi, con chuột chạy ra khỏi hang, con gà rừng bay tới đậu trước mặt hay con mang con hoẵng chạy đến gần nhìn mình rồi kêu to, thì dù mảnh đất đó màu mỡ thế nào, người ta cũng bỏ qua. Bởi lẽ, đây là những điều trái với lẽ tự nhiên, là điểm gở báo hiệu tai ương, con người ốm đau, chết chóc.

Nếu miếng đất không có dấu hiệu lạ nào, người Khơ Mú sẽ phát một đám nhỏ ở giữa mảnh nương được xác định. Khoảng đất này mỗi chiều chỉ dài cỡ 3 – 4 sải tay là được. Tiếp theo, người ta đan một cái ta-leo cài vào một cái cọc rồi cắm vào giữa khoảng đất vừa phát.

Cuối cùng, người ta phát quang đường biên mảnh đất được chọn, phải phát làm sao để ngọn cây, ngọn cỏ đổ vào bên trong mảnh nương. Đây là hình thức đánh dấu để báo với người đến sau rằng đất này đã có chủ. Cài ta leo là để xua đuổi các thế lực ma tà.

Đánh dấu xong xuôi, người Khơ Mú sẽ về nhà và chọn ngày lành, kiêng ngày xấu để tổ chức đi phát nương. Đây là công đoạn khởi đầu cho vụ canh tác mới, vì vậy, cần phải chọn ngày cho lần đi phát nương đầu tiên. Ngày xấu, theo quan niệm của người Khơ Mú là ngày mất của cha mẹ hay các thành viên trong gia đình.

Họ cũng kiêng những ngày dâng cúng tổ tiên. Tùy theo mỗi dòng họ, mỗi gia đình lại có ngày kiêng khác nhau. Những ngày không phải là ngày xấu thì có thể xem là lành. Đ0c biệt, người Khơ Mú thường chọn những ngày sau rằm. Bà con cho rằng phát nương vào ngày cuối tháng thì khi gieo hạt giống mới không bị cỏ lấn át.

Trong quá trình canh tác, người Khơ Mú tương trợ lẫn nhau. Những gia đình neo người, đến mùa phát nương, chủ nhà báo với trưởng bản để trưởng bản thông báo với anh em, xóm giềng đến giúp cho kịp gieo hạt hoặc thu hái đúng mùa vụ. Trong ngày nhờ người đến giúp công, chủ nhà phải chuẩn bị bữa cơm tươm tất để cảm ơn mọi người. 

 

 

 

 

Hoàng Minh/VOV4

 

Hoàng Minh

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC