Cô gái Cơ ho chủ động đi hỏi chồng
Thứ tư, 00:00, 30/08/2017 THU HA/VOV4 THU HA/VOV4
VOV4.VN - Hôn nhân của người Cơ Ho thường diễn ra theo 2 hướng: theo sự hứa hôn giữa bố mẹ chàng trai và bố mẹ cô gái, hoặc theo sự tự do yêu đương giữa đôi trai gái. Trong 2 trường hợp đó thì sự chủ động có thể thuộc về người con trai, có thể thuộc về người con gái. Nhưng việc tác hợp để tiến tới hôn nhân thì quyền chủ động thuộc về gia đình người con gái. Khi tiến hành hôn nhân, quyền đặt vấn đề là của nhà gái.

Trước đây, nếu cô gái Cơ ho thích một chàng trai nhưng chàng trai chưa thích, cô gái sẽ tìm cách dấn sâu hơn, có thể bằng việc chủ động có con, rồi lén lấy một sợi tóc hoặc đôi dép của chàng trai. Bố mẹ cô đưa con đến gặp già làng. Già làng sẽ hỏi: “Cô có gì chứng minh nó là bố của đứa bé trong bụng?”, cô liền đưa sợi tóc hay đôi dép ra. Lúc đó chàng trai gần như không có cơ hội để chối cãi. Bởi nếu nói dối thì thần linh sẽ phạt.

Tín vật là sợi tóc hay đôi dép trở thành cầu nối để cô gái hợp thức hóa việc mình chủ động trong mối quan hệ này và chàng trai bắt buộc phải để hôn nhân diễn ra. Còn thông thường, khi ưng một chàng trai, cô gái sẽ báo bố mẹ đến nhà trai để ướm hỏi ý bên nhà trai. Bố mẹ cô gái, ông cậu và những người thân nhất của cô sẽ sang nhà chàng trai để hỏi. Thường là đi ban đêm, không đi ban ngày.

Ông Ngọc Lý Hiển, Chi hội Phó Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh Lâm Đồng, giải thích: nếu đi ban ngày mà không may gia đình chàng trai từ chối thì bẽ mặt. Đi ban đêm, nếu hôn sự không diễn ra như mong muốn thì êm đềm rút về mà không ai hay biết!

 Để tiến tới hôn nhân thì quyền chủ động thuộc về gia đình người con gái Cơ ho. Ảnh: dantri.com

Hôn nhân của người Cơ ho có 3 công đoạn là Lắp, Lụp và Pao. Lắp là ướm hỏi ý kiến gia đình chàng trai. Lụp là tiến hành hôn lễ, khi 2 bên gia đình đã đồng ý, hôn sự đã được định đoạt. Sau công đoạn Lụp, 2 bên có thể sinh sống với nhau như vợ chồng và sinh con. Pao là tổ chức đám cưới, khi đôi vợ chồng có điều kiện kinh tế, làm ăn khá giả, nhà gái đã hoàn trả các lễ vật bên nhà trai yêu cầu. Trong buổi lễ này, đôi vợ chồng mời họ hàng, dòng tộc đến dự để hoan hỷ với hạnh phúc của họ.

Trước đây, công đoạn Lụp của người Cơ ho thường kéo dài tới 7 ngày: 3 ngày bên nhà trai và 4 ngày bên nhà gái. Trong thời gian này, 2 bên tiến hành thương thuyết, nhà trai sẽ yêu cầu nhà gái mang theo một số lễ vật để đền đáp công ơn mình đã nuôi dạy chàng trai nên người. Họ thường đối đáp bằng những câu văn vần có trong các tác phẩm hát kể dài hơi của người Cơ ho.

Nếu nhà giàu, phần lễ vật nhà gái mang sang nhà trai có thể là một con trâu, là chiêng ché, nhưng bao giờ cũng phải có chuỗi hạt cườm và tấm chăn - những đồ vật đã được định trong luật tục của người Cơ ho.

Ông Tạ Văn Thông, Viện Từ điển và Bách khoa thư Việt Nam, cho biết: "Trong những lễ vật nhà gái mang đến nhà trai còn có một thứ nữa, đó là bó củi, gọi là bó củi hứa hôn. Người con gái phải tự tay lên rừng chặt một bó củi bằng gỗ tốt, gỗ đặc biệt. Đối với người Cơ ho, ngọn lửa có ý nghĩa rất quan trọng, vừa mang lại sự ấm áp, vừa xua đuổi thú rừng, vừa là chỗ quây quần trò chuyện. Đống củi nhóm lên thể hiện ước nguyện gắn bó với nhau và tạo nên sự ấm áp ở bên nhau đến trọn đời. Bó củi đó có ý nghĩa thiêng liêng".

Với người Cơ ho, những thứ lễ vật có thể có ngay, cũng có thể trả dần trong 5 năm, 10 năm, hoặc lâu hơn nữa. Thời gian trả trong bao lâu là do 2 bên gia đình thương thuyết. Tuy nhiên, nếu nhà gái không có đủ lễ vật thì người con trai và người con gái vẫn được về ở với nhau và 2 gia đình thống nhất chọn ngày để gia đình cô gái mang những lễ vật đã có sang nhà trai.

Trước khi cưới một ngày, làng tổ chức một đêm hội, tạm dịch là "Đêm hội bắt chồng". Tín vật linh thiêng nhất của lễ hội là cặp Srí, tức là cặp nhẫn cưới. Vào đêm thiêng, cô gái sẽ đến nhà trai và đeo nhẫn vào tay người con trai. Trong đêm đó, chàng trai và cô gái sẽ đọc một số câu luật tục của đồng bào mình, ví dụ như: "Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước...".

Điều đặc biệt trong hôn lễ của người Cơ ho là gia đình cô gái chủ động hoàn toàn và người đóng vai trò quyết định là ông cậu của cô gái. Ông cậu là người có tài ăn nói, ứng biến linh hoạt. Ông cũng chính là người dẫn dắt, người đặt vấn đề hôn nhân, thỏa thuận các lễ vật. Tiếng nói của người cậu trong đàm phán hôn nhân là cực kỳ quan trọng.

 

 

Thu Hà/VOV4

 

 

 

  

THU HA/VOV4

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC