Con trai Xơ đăng có thể "bắt vợ", con gái Xơ đăng có thể "bắt chồng"
Thứ sáu, 00:00, 27/10/2017 p bt p bt
VOV4.VN - Không giống như tục “bắt chồng” theo chế độ mẫu hệ của nhiều dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, với người Xơ đăng, khi đến tuổi trưởng thành, con trai, con gái đều có quyền đi ‘’hỏi vợ’’ hoặc ‘’hỏi chồng’’. Đặc biệt, trong thời gian thử thách trước khi cưới, nếu một trong hai người vi phạm luật tục hôn nhân, sẽ bị làng xử phạt rất nặng.

 

Đến tuổi trưởng thành, thanh niên Xơ đăng có quyền tìm hiểu nhau. Nếu đã “ưng cái bụng”, họ báo tin cho cha mẹ biết và nhờ cha mẹ tìm giúp ‘’ông mai’’ (pôa pro troăng), ‘’bà mối’’ (jâ pro troăng). Tùy theo điều kiện của từng gia đình, mà con trai có quyền ‘’hỏi vợ’’ (tăng mế) hoặc con gái có quyền ‘’hỏi chồng’’ (tăng dôh).

Bà Y Yêm, ở thôn Deak Lơ Leang Hai, xã Ea Uy, huyện Krông Pach (tỉnh Đăk Lăk), cho biết: “Chúng tôi khác với một số dân tộc khác, việc tiến đến hôn nhân được diễn ra bình đẳng, có thể nói là song hệ. Tùy theo khả năng, điều kiện, nhà gái hoặc có thể nhà trai đi hỏi cũng được. Ngay tại làng của chúng tôi đây, có trường hợp nhà trai đi hỏi vợ, có nhà gái đi hỏi chồng. Bất cứ bên trai hoặc bên gái ‘’đi hỏi’’ tôi thấy họ đều có chung mục đích là được yêu và sống chung với nhau’’.

Theo ông A I Hat, ở buôn Kon Wang, xã Ea Yiêng, huyện Krông Pach, tục hôn nhân của người Xơ đăng không mang tính mẫu hệ hoặc phụ hệ, không nặng nề về việc thách cưới. Vì lẽ đó mà chỉ cần trai gái yêu nhau là sẽ đến được với nhau, dù gia cảnh giàu có hay nghèo khó.

Phong tục Xơ đăng từ xưa tới giờ không có thách cưới. Quan trọng là hai người thương yêu nhau, có tình cảm với nhau thật sự thì họ phải báo cho cha mẹ hai bên biết, khi cha mẹ đồng ý thì làm lễ đám hỏi và tổ chức đám cưới cho các con thôi’’ – ông Hat cho biết.

Lễ cưới của người Xơ đăng. Ảnh: Theo Cinet

Ngày đính hôn (Hâi diâp tơxêo), nhà trai mang lễ vật đến nhà gái, hoặc ngược lại. Lễ vật thông thường là một con gà (môi to í), một ghè rượu (môi to vó), một cái rìu (môi to chông), một con dao (môi to hơlong), một tấm vải thổ cẩm (môi plâ hmôu), và 2 chiếc vòng đồng (péa to mâ xâng ko\ng).

Nhà gái (hoặc nhà trai) nhận lễ vật và chính danh công nhận việc gả con gái cho nhà trai, hoặc gả con trai cho nhà gái. Từ ngày đám hỏi, đôi trai gái xem nhau như là vợ chồng chưa cưới. Cha mẹ hai bên bắt đầu xưng hô với nhau là ông thông gia (pôa tơxêo) bà thông gia (jâ tơxêo).

Về nghi thức trong lễ ăn hỏi, ông A I Hat cho biết, người Xơđăng trọng nhất tình cảm, nên lễ nghĩa cũng rất đơn giản: “Sau khi cha mẹ hai bên đồng ý, ông mối đến phía nhà trai, hỏi: -Anh có đồng ý lấy cô ấy làm vợ? Chàng trai thề trước mặt cha mẹ: -Con thật sự muốn lấy cô ấy làm vợ. Từ khi con trưởng thành, con đã để ý cô ấy và được cô ấy  chấp nhận. Đến hôm nay chúng con không thể tách rời nhau nữa. Yàng đã cho chúng con ở với nhau, con yêu quý người đó, và người đó cũng thương con thật lòng’’.

Sau ngày đính hôn, dù hai bên đã xem nhau là thông gia, chàng trai và cô gái được coi là vợ chồng chưa cưới, nhưng họ không được phép vượt quá giới hạn. Khoảng thời gian từ ngày đính hôn cho đến ngày cưới, tùy theo điều kiện của từng gia đình, có thể một hoặc vài tháng nhưng không quá một mùa rẫy (1 năm). Đây là thời gian thử thách lớn nhất dành cho đôi vợ chồng tương lai: họ phải giữ bản thân trong sạch, không làm những điều xấu, trái với luật tục của làng.

Ông A Djoa, ở thôn 3, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô (tỉnh Kon Tum) cho biết: Nếu một trong hai người có hành vi sai trái trước khi cưới sẽ bị làng xử phạt rất nặng: “Mọi nghi thức từ đám hỏi cho đến đám cưới thì phải tuân thủ luật tục của làng. Theo phong tục, nam nữ thanh niên nếu có quan hệ bất chính với nhau, có con trước khi kết hôn thì già làng đuổi hai người đó ra rìa, bắt họ dựng chòi ngoài làng sống ở đó. Khi nào họ thực hiện đầy đủ việc xử phạt của làng như cúng Yàng bằng con heo, con gà … thì họ mới được phép vào làng’’.

Sự răn đe của luật tục đã hạn chế được tình trạng thanh niên Xơ đăng quan hệ nam nữ trước hôn nhân, giữ được thuần phong mỹ tục, đồng thời bảo đảm tốt sức khỏe sinh sản cho người mẹ và con cái sau này.

Về đám cưới cho đôi trẻ, hai bên gia đình bàn tính chọn một ngày tổ chức chung tại nhà cộng đồng. Theo bà Y Yêm, ở thôn Deak Lơ Leang Hai, xã Ea Uy, huyện Krông Pach, lễ cưới là dịp vui của tất cả họ hàng và cộng đồng làng:

“Theo phong tục của chúng tôi ở đây, uống mừng ngày cưới thì tổ chức chung tại nhà rông, tất cả những thức ăn, thức uống hai bên họ hàng đều mang ra ngoài nhà rông. Khách mừng cho hai vợ chồng thông thường là một ché rượu cần và một con gà, họ đưa trực tiếp cho cha mẹ của cô dâu hoặc cha mẹ chú rể. Gia đình hai bên nhận những món quà đó mang đến nhà rông để cùng vui với cả làng. Họ ăn uống, vui vẻ và hát rơngêi, ting ting, đánh cồng đánh chiêng chúc mừng cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc’’. 

Điều đặc biệt của dân tộc Xơ đăng, là trước lễ cưới, nhà trai nhà gái cùng bàn bạc với nhau về cuộc sống, hoàn cảnh cụ thể của từng gia đình, như là về tuổi tác, sức khỏe của cha mẹ, điều kiện kinh tế…  Bên nào khó khăn hơn thì đôi vợ chồng trẻ sau khi cưới phải về ở nhà đó trước (khoảng 2 đến 3 năm), mục đích giúp sức lao động cho gia đình vượt qua những khó khăn trước mắt. Sau đó vợ chồng lại luân chuyển đến nhà kia. Cứ như vậy, khi có đủ điều kiện, vợ chồng mới ra ở riêng.

 

 

Nhat Lisa/VOV-Tây Nguyên



 

 


p bt

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC