Kpan là chiếc ghế độc lập được đẽo từ nguyên một cây gỗ, dài từ 5-15m, rộng khoảng 70-90cm, dày chừng 8cm, hơi cong ở hai đầu tạo dáng vẻ vừa mềm mại vừa vững chắc mạnh mẽ.
Làm được Kpan, đòi hỏi sức mạnh tập thể rất lớn, làm trong 7, 11 hoặc 13 ngày. Chủ nhà không chỉ phải lo đủ trâu, lợn, gà, rượu, gạo phục vụ bà con những ngày làm Kpan, mà theo tục lệ, còn phải là người đã tổ chức được các lễ hiến sinh cầu sức khỏe, có nhiều cuộc khoản đãi cộng đồng và có nhiều chiêng ché lớn.
Già làng Aê Hao, ở buôn Tu, xã Ea Tul, huyện Chư Mgar, tỉnh Đắc Lắc, cho biết, việc tìm và chặt cây làm ghế phải được bàn định trước với gia đình bên vợ. Sau đó, đẽo một mảnh vỏ cây nhỏ mang về cúng thần, xin được chặt cây. Sáng sớm ngày đẹp trời mới đi chặt cây. Khi đi, trong buôn phải không có đám tang mới tốt.
Già làng Aê Hao cho biết: "Trước khi chặt cây để làm Kpan thì 3 nam, 3 nữ thanh niên trong buôn sẽ múa quanh cây. Những chàng trai cô gái này sẽ mặc trang phục truyền thống. Sau đó, thầy cúng sẽ cúng rồi chặt cây. Như vậy thì làm Kpan đẹp hơn, Kpan không bị rạn, bị vỡ".
K'pan là niềm tự hào của người Ê đê. Ảnh: baomoi.com
Thầy cúng là người sẽ chặt nhát rìu đầu tiên vào cây. Tiếp đó, 7 người đã được lựa chọn sẽ cầm rìu phát 3 lần. Sau đó, dân làng mới được giúp chặt cây. Khi cây được chặt sạch cành lá, chủ nhà và thầy cúng đi lên thân cây 7 lần để đuổi tà ma.
7 người đã được chọn sẽ là những người thợ chính dùng rìu đẽo cây thành Kpan có hình chiếc thuyền với những đường nét khỏe khoắn. Và khi Kpan hoàn thành, lễ rước Kpan sẽ tổ chức giống như nghi thức đón một thành viên mới gia nhập vào gia đình.
Theo già làng Aê Vui, ở buôn Puôr, xã Hoà Đông, huyện Krông Pach, tỉnh Đắc Lắc, với người Êđê, Kpan cũng như con người, cũng có linh hồn, nên khi dọn về nhà mới cần phải có chăn màn, quần áo…: "Khi chuẩn bị cho lễ rước Kpan, gia chủ sẽ chuẩn bị rất nhiều thứ. Phụ chuẩn bị chăn, váy áo thổ cẩm, người nam chuẩn bị khố, áo để phủ lên Kpan, đón thành viên mới vào gia đình. Rươụ cần đã được ủ khoảng 3-5 năm".
Bắt đầu lễ rước, những người anh em họ hàng của chủ nhà sẽ đứng thành hai hàng dọc vỗ tay vui mừng đón Kpan về nhà. Khi đầu Kpan chạm đến chân cầu thang, thầy cúng sẽ bước ra với cây giáo trên tay, làm nghi thức cắm cây giáo lên đầu Kpan. Việc này có ý nghĩa xua đuổi tà ma, đuổi các thần ác ra khỏi Kpan để không hại chủ nhà.
Gìa làng Aê Vui cho biết: "Về tới nhà, thấy cúng mặc áo cúng sẽ dùng khiên, giáo múa trước hiên nhà sàn, tiếng Êđê gọi là “ghat”, để đuổi tà ma. Có người thổi ky pah, đing buôt, tak tar... Riêng đinh năm không được thổi. Sau đó Kpan được đem lên nhà sàn. Lễ rước Kpan sẽ cúng 2 con trâu. 1 con trâu cúng cho ông bà tổ tiên, 1 con trâu cúng cho chủ nhà vào ngày hôm sau. Cúng cho Kpan 1 con heo đen, 1 ché rượu cần".
Ngồi trên ghế Kpan, mọi hận thù, khoảng cách về địa vị sẽ được xóa đi, chỉ có tình cảm chân thành đọng lại. Ảnh: baomoi.com
Ở trong nhà, Kpan được đặt vào gian khách, dọc theo bức vách phía Tây nhà. Lúc này không ai được ngồi lên Kpan. Những người tấu cồng chiêng cũng không được ngồi. Thấy cúng sẽ dắt tay chủ nhà bước lên bước xuống Kpan 3 lần, để "thuần hóa" ghế thiêng, ý là: từ nay chủ nhà sẽ là chủ nhân mới của Kpan. Sau đó những người khác mới được ngồi lên Kpan. Cùng lúc đó, tiếng chiêng nổi lên, thầy cúng làm lễ khấn báo thần linh rằng Kpan đã có chủ.
"Thầy cúng sẽ gọi tên tất cả các vị thần linh, thần nước, thần núi, thần cây…, không bỏ sót một vị thần nào, gọi mời cả hồn ông bà tổ tiên về dự buổi rước Kpan. Và cầu xin sự thịnh vượng, no ấm, làm nương rẫy lúa đầy kho. Trong lễ rước Kpan, nếu họ hàng không đến tham gia thì sẽ gặp những điều không may mắn" - già làng Aê Hao cho biết.
Khi đã kết thúc phần cúng cho Kpan, chủ nhà sẽ làm thịt một con gà trắng, buộc ché rượu cần để cúng cảm tạ thần cây đã trồng, chăm sóc cây lớn lên, cho phép gia chủ được sử dụng thân gỗ tốt. Khi thầy cúng khấn xong, cũng là lúc các mâm cỗ và những ché rượu cần được dọn ra. Thầy cúng mời vợ chồng chủ nhà uống rượu khai ché, mời dân làng cùng chung vui. Khi ra về, mọi người được nhận một gói lá nhỏ đựng thịt trâu. Xong buổi lễ, chủ nhà sẽ nghỉ 2 ngày không đi làm rẫy.
Theo quan niệm của người Ê Đê, ghế Kpan là chiếc ghế tổ tiên, là biểu tượng của tình bằng hữu. Khi ngồi trên ghế Kpan, bao hận thù, bao khoảng cách về giai cấp địa vị sẽ được xóa đi, chỉ có tình cảm chân thành đọng lại.
H’Zawut/VOV-Tây Nguyên
Viết bình luận