Lấy người trong họ để tài sản không về nhà khác
Với người K’ho, đám cưới là một sự kiện quan trọng bậc nhất trong cuộc đời con người, do đó, việc xem xét, lựa chọn ý trung nhân rất kỹ càng. Tự do hôn nhân, nên một khi cô gái đã thích chàng trai nào đó, thì sẽ chủ động yêu cầu cha mẹ đến dạm hỏi. Nhưng đôi khi cô gái cũng bị ép lấy người không mong muốn. Sự ép buộc có nguyên nhân sâu xa của nó.
Ông K’bró, ở thôn K’Ming, xã Gung Ré, huyện Di Linh, Lâm Đồng, cho rằng, nếu gia đình khá giả, có của ăn của để thì người ta sợ rằng con gái mình đi lấy chồng ở dòng họ khác có nghĩa là của cải cũng đem cho người khác. Cho nên có nhà bắt con gái lấy con của cô để tài sản dù sao cũng vẫn là của gia đình, họ tộc mình.
Khi đôi trai gái đã đồng ý thì việc dạm hỏi và thách cưới đều do nhà gái đứng ra lo liệu. Những lễ vật thách cưới thường là trâu, chiêng, chóe, rượu cần và nhẫn bạc. Nếu nhà trai thách cưới quá cao, thì nhà gái sẽ xin nợ và trả sau một vài năm, khi kinh tế gia đình đã ổn định.
Thời gian “trả nợ” nhanh hay chậm tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của nhà gái. Có những trường hợp gia đình nghèo, không có điều kiện, thì có khi là 2-3 năm, thậm chí nhiều năm sau nhà gái mới trả được lễ vật thách cưới cho gia đình nhà trai.
Lễ cưới của người K'ho thường diễn ra vào ban đêm. Ảnh: KT
Đối với người K’ho, lễ dạm hỏi và lễ cưới, thường họ không phải xem ngày lành tháng tốt mà cứ ấn định vào một khoảng thời gian nhất định để không ảnh hưởng đến công việc lao động sản xuất. Tất cả những nghi thức đó đều được tiến hành vào ban đêm.
Khi tiến hành lễ cưới thì nhà trai sẽ tổ chức trước. Nhà trai sẽ đón cô dâu và cho cô dâu ngồi ở một vị trí trang trọng giữa gian nhà chính. Nhưng trước khi vào nhà, cô dâu sẽ phải tiến hành nghi thức rửa chân. Nghi lễ này mang ý nghĩa cô dâu phải giữ gìn sự trong sạch, là người phụ nữ đoan chính.
Không thể thiếu trong lễ cưới của người K’ho là nghi lễ ném ruột gà. Đây có thể coi là việc quan trọng nhất trong đám cứơi để công nhận đôi trẻ đã chính thức thành vợ thành chồng. Từ nay họ sẽ được tự do đi lại giữa hai bên gia đình.
Nếu như trong lễ cưới, bên nhà trai ăn uống linh đình, thì về bên nhà gái, mọi thủ tục được tối giản, nhất là những gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, vì những gì giá trị nhất đã đem sang nhà trai trả lễ “thách cưới” rồi. Do vậy, nhà gái chỉ tổ chức mời khách khứa khi nào kinh tế ổn định. Có khi vài năm sau họ mới tổ chức đám cưới.
Người K'ho kiêng đặt tên con trùng tên các vị thần
Người K’ho rất coi trọng và cẩn thận với đứa con đầu lòng. Do đó, có những kiêng kỵ nhất định. Ông K’Bró ở xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh, Lâm Đồng, cho biết: Nếu chưa qua 7 ngày và chưa làm lễ đặt tên thì không ai được vào thăm đứa bé. Nhất là những người phụ nữ góa.
Sau ngày thứ 7 thì mọi người có thể vào thăm đứa trẻ, nhưng bố mẹ đứa trẻ không quên để một cái xà gạc ngay cửa buồng. Đây là một loại vật dụng có cán bằng tre, phần đầu để tra lưỡi, lưỡi xà gạc thường được rèn bằng sắt và có hình chữ nhật - một vật dụng hết sức quen thuộc với đời sống sinh hoạt của người K’ho.
Xà gạc là vật dụng không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người K'ho. Ảnh: KT
Nếu gia đình có sản phụ sinh đôi một trai một gái, thì bắt buộc phải thực hiện nghi thức cưới hỏi cho hai đứa trẻ. Nếu song sinh một bề thì phải đeo vòng cổ tay cho các bé. Bởi người K’ho quan niệm kiếp trước cặp đôi này là vợ chồng, thì nay khi đầu thai họ cũng là vợ chồng, cho nên phải tiến hành lễ cưới tượng trưng.
Sau khi đứa trẻ được 3 ngày tuổi thì gia đình sẽ tiến hành đặt tên. Trước hôm đó, cha mẹ đứa trẻ sẽ làm một cái gùi nhỏ, bộ khung dệt vải nếu đứa trẻ là con gái và chiếc ná cùng chiếc xà gạc nếu là con trai, với mong muốn bé gái sẽ là người phụ nữ đảm đang, khéo léo chăm lo cho cuộc sống gia đình, bé trai sẽ là người đàn ông cường tráng, thông thạo săn bắt, bảo vệ buôn làng, bảo vệ gia đình. Những vật dụng này sẽ được đặt vào gian chính.
Trong nghi lễ đặt tên cho đứa trẻ của người K’ho, không thể thiếu một loại thân cây là cây ngô. Người ta khắc cái răng cho đứa bé để đứa bé sau này lớn lên có một hàm răng chắc khỏe. Khi đặt tên cho đứa bé thì phải đặt tên gần giống như cha mẹ đứa bé. Nếu mẹ là Hằng thì con cũng phải là Hà. Hay người bố là B’ré thì con là B’ra..
Người K’ho theo chế độ mẫu hệ, nên con cái thường mang họ người mẹ. Họ thường chọn những cái tên gắn liền với những người giỏi giang để đặt cho con mình, mong sao sau này chúng cũng được tài giỏi, có ích cho xã hội. Họ tránh đặt tên con trùng với tên của các vị thần linh, bởi nếu như vậy sẽ bị thần linh trừng phạt và sẽ gặp phải những điều không may mắn trong cuộc sống.
Việt Phú/VOV4
Viết bình luận