Ngày 30 tháng Chạp, bà con ở bản Suối Khem, xã Phiêng Luông, tấp nập chuẩn bị đón Tết. Tùy thuộc vào điều kiện mà gia đình thì mổ lợn, nhà không mổ lợn thì cũng có con gà để thắp hương báo cáo tổ tiên về thành quả lao động của một năm qua.
Thầy mo Bàn Xuân Đức kể: Năm nào cũng vậy, ông thường được mời làm lễ cúng Tết - nghi lễ hết sức quan trọng để bước sang năm mới. Với thành ý là gia đình đã chuẩn bị sẵn lợn gà, nay làm mâm cơm thắp hương báo cáo và cảm ơn tổ tiên, ông bà đã khuất phù hộ cho con cháu luôn mạnh khỏe, mùa màng bội thu, cuộc sống ngày một ấm no hạnh phúc.
Người Dao Tiền với trang phục truyền thống
Lẽ vật trong mâm cúng tổ tiên thường có 1 đầu lợn, 1 con gà, 1 bát hương, 3 cái bánh chưng, 1 bát nước, 4 bát rượu, 1 chai rượu, 1 bát muối. Sau khi chuẩn bị xong, mâm cúng được đặt lên bàn thờ. Ồng mo sẽ thay mặt gia chủ báo cáo tổ tiên thành quả lao động sản xuất trong năm cũ, mời tổ tiên, các đấng thần linh về ăn Tết với con cháu, phù hộ cho con cháu nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu.
Nghi lễ cúng Tết thường diễn ra từ ngày 30 đến mùng 2 Tết. Ngày mùng 2, nghi lễ cúng chỉ diễn ra khi gia đình có ông bà ngoại đã mất.
Sau khi hoàn thành các nghi lễ cúng Tết tại các gia đình, ngày mùng 2 Tết, các nhà trong bản góp gạo, gà, bánh zua ít (một dạng bánh chưng riêng của đồng bào), tiền giấy, mang đến một gia đình được chọn là ăn ở tốt để bày mâm lễ. Mâm lễ này sau đó được mang ra miếu để làm lễ cúng bản.
Sau khi cúng xong, bà con đến gia đình người được chọn. Họ cùng nhau ăn uống, chúc nhau một năm mới nhiều may mắn hơn năm cũ. Sau đó, cùng nhau tham gia các hoạt động vui xuân đón Tết cộng đồng, xây đắp tình làng nghĩa xóm.
90% dân bản Suối Khem là đồng bào Dao Tiền. Canh tác theo khoa học kỹ thuật; thâm canh chè, mận, chanh leo và các loại hoa màu, cuộc sống của bà con khấm khá hơn trước, giảm nhiều hộ nghèo. Dù cuộc sống ngày một phát triển, giao thoa văn hóa, nhưng bà con vẫn giữ văn hóa truyền thống, trong đó có những nghi lễ đón Tết.
Triệu Biên/VOV-Tây Bắc
Viết bình luận