Người Cao Lan đón Tết
Thứ năm, 00:00, 22/02/2018 Việt Phú BT CT Việt Phú BT CT
VOV4.VN- Người Cao Lan đón Tết từ ngày 25 tháng Chạp cho đến rằm tháng Giêng. Những đồ ăn ngon nhất sẽ được bày lên mâm cỗ để cúng thỉnh và cung kính mời thần linh, tổ tiên cùng về ăn tết với gia đình.
 

Sáng sớm ngày 30 Tết, khi trời còn tờ mờ sáng, tiếng gà gáy vang lên trên những sườn đồi, người Cao Lan đã thức giấc, dọn dẹp nhà cửa  làm lễ “chí dịt”, có nghĩa là dán giấy lên bàn thờ tổ tiên, lên cửa ra vào, cửa sổ, cây cối và các dụng cụ lao động.

Dán giấy đỏ để báo hiệu tết đã về. Ảnh: KT

Theo ông Bàng Đức Trị, ở xã Hùng Đức, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang, thì tục này đã có từ rất lâu đời. Dán giấy để báo hiệu một mùa xuân mới, để những dụng cụ lao động sản xuất, để cây cối hoa lá cùng nhau nghỉ ngơi. Cũng là báo với thổ công, thần linh, gia tiên chuẩn bị đến Tết.

Theo bà Nịnh Thị Bình, ở xã Thành Long, huyện Hàm Yên, việc dán giấy chứa đựng niềm tin về một năm mới an lành với những thành quả mới, cho cuộc sống no đủ. Cây cối được dán giấy để năm mới sẽ sai quả và cũng để cho ma quỷ không quấy rối con người.

Khi trong thôn, ngoài ngõ đã rực lên những sắc đỏ, sắc vàng cũng là lúc người Cao Lan bắt đầu đón Tết, đón thời khắc thiêng liêng của sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới với những niềm tin, sự hy vọng về một năm mới an lành.

Bbắt đầu từ ngày 25 tháng Chạp thì không khí chuẩn bị cho tết bắt đầu nhộn nhịp. Mỗi người một việc, làm sao đến ngày 28 là không còn thiếu thứ gì nữa. Bánh chưng, bánh mật, gà, lợn và nhiều khi có cá để dâng cúng tổ tiên

Người Cao Lan cũng có tục thờ ông Công, ông Táo, nhưng không làm vào ngày 23 tháng Chạp như một số dân tộc khác, mà thờ chung trên bàn thờ gia tiên, khi thỉnh gia tiên cũng thỉnh luôn cả thổ công và ông Táo.

Mâm cỗ cúng từ 30 cho đến hết ngày mùng 3 tết không thể thiếu gà và tùy theo dòng họ mà cỗ lớn hay nhỏ.

Những ngày Tết, không thể thiếu điệu hát sình ca. Ảnh: KT

Có một điều rất đặc biệt trong văn hóa Tết của người Cao Lan là họ làm cỗ ngày nào thì hóa vàng luôn trong ngày đó. Chiều 30 làm lễ xong, họ hóa vàng. Nửa đêm dậy lấy nước mới đun trà, pha trà mời tổ tiên rồi hóa vàng. Sáng sớm mùng 1 thì có một mâm cơm cúng rồi hóa vàng, hóa quần áo cho các cụ để các cụ đi du xuân.

Khi thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, người Cao Lan có tục lấy nước mới đầu năm, bởi bà con tin nguồn nước mới, nước sạch sẽ mang lại cho gia chủ may mắn, một năm mới đủ đầy, xuôi chèo mát mái...

Nngười  Cao Lan có phong tục chúc tết và những kiêng kỵ trong những ngày đầu năm mới, nhất là vào ngày đầu tiên của năm. Họ kiêng đi vào ngày mùng 1 vì sợ gia chủ trục trặc gì đó thì sẽ không hay. Họ cũng không quét rác mà phải đợi đến mùng 3 mới thực hiện, bởi quan niệm nếu quét rác sẽ quét đi những may mắn.

 

 

 

 

Việt Phú/VOV4

Việt Phú BT CT

Viết bình luận

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC